Kinh tế

Bộ Tài chính sửa quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán.

Nội dung chủ yếu của Thông tư số 24/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 là hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo qui định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hoạch toán trên sổ kế toán.

Đối tượng nói trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính sửa quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo Thông tư số 24/2022/TT-BTC, mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được tính bằng giá trị khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm trừ đi tích của số lượng chứng khoán doanh nghiệp đang sở hữu và giá chứng khoán thực tế trên thị trường.

Đối với chứng khoán đã niêm yết (bao gồm cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo đã niêm yết), giá chứng khoán thực tế trên thị trường được tính theo giá đóng cửa tại ngày gần nhất có giao dịch tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Đối với cổ phiếu đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết và các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì giá chứng khoán được xác định là giá tham chiếu bình quân trong 30 ngày giao dịch liền kề gần nhất trước thời điểm lập báo cáo tài chính năm do Sở Giao dịch chứng khoán công bố.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch, giá trái phiếu trên thị trường là giá giao dịch gần nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính. Trường hợp không có giao dịch trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5. Số dư dự phòng các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương mà doanh nghiệp đã trích lập đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (nếu có) được hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2022.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bo-tai-chinh-sua-quy-dinh-ve-du-phong-ton-that-cac-khoan-dau-tu-chung-khoan-tintuc820531