Kinh tế

Chứng khoán sẽ ra sao sau phiên rớt hơn 55 điểm?

Nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia cùng cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch biến động mạnh với tâm điểm là phiên giảm sâu cuối tuần. Phiên rơi tự do với biên độ và thanh khoản đột biến đã gây bất ngờ cho giới đầu tư lẫn những chuyên gia kỳ cựu.

Điều chỉnh là cần thiết

Tại buổi talk show "TTCK biến động: Cơ hội và rủi ro" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20-8, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng VN-Index đã có chuỗi tăng khoảng 160-170 điểm liên tiếp trong nhiều tuần qua nhưng chưa có nhịp giảm thật sự nào. Câu chuyện VinFast (công ty con của Vingroup) niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã thúc đẩy cổ phiếu VIC tăng từ vùng 55.000 đồng lên tới vùng 76.000 đồng.

VIC là cổ phiếu "trụ" nên VIC tăng mạnh không chỉ góp phần chặn đà rơi của VN-Index mà còn liên tục kéo chỉ số này lên mốc cao mới. Khi hết thông tin hỗ trợ, VIC giảm sàn, gây cú sốc cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một công ty chứng khoán tốp đầu về thị phần thông báo cắt giảm tỉ lệ cho vay ký quỹ (margin) gây tâm lý không tốt cho thị trường.

"Phiên ngày 18-8 là nhịp điều chỉnh đầu tiên và theo tôi là nên có để thu hút dòng tiền mới vào, vì thực tế vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư đang "đứng ngoài" không dám giải ngân" - chuyên gia này nhận định.

Chứng khoán sẽ ra sao sau phiên rớt hơn 55 điểm?
Các chuyên gia đều nhận định xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán vẫn chưa kết thúc. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Nguyễn Công Trạng, Phó Phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), phiên giảm mạnh của TTCK cuối tuần rồi không có nguyên nhân nào quá lớn như năm ngoái khi VN-Index rơi một mạch từ vùng 1.500 điểm xuống hơn 800 điểm.

Riêng những thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục tăng lãi suất hay một tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại Mỹ, không ảnh hưởng quá lớn tới TTCK trong nước.

"Nếu phân tích kỹ những phiên vừa qua sẽ thấy VN-Index giữ mức tăng chủ yếu do hiệu ứng khi cổ phiếu VIC tăng mạnh còn nhiều mã khác nhất là dòng vốn hóa vừa và nhỏ đã có sự điều chỉnh. Việc điều chỉnh 4%-5% của VN-Index ở hiện tại là cần thiết sau giai đoạn tăng "nóng", còn những yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn đang tích cực" - ông Nguyễn Công Trạng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia cũng cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước. Điều bất ngờ là mức độ giảm quá nhanh và mạnh chỉ trong một phiên giao dịch.

Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nêu quan điểm phiên cuối tuần ghi nhận khối lượng giao dịch tăng mạnh, vượt xa mức trung bình 20 ngày và đạt kỷ lục lịch sử. Đi kèm với mức giảm mạnh khiến rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục diễn ra, nhà đầu tư cần thận trọng hơn.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực

Tuy vậy, trong trung hạn, triển vọng TTCK vẫn tích cực với nhiều yếu tố hỗ trợ. Báo cáo chiến lược công bố ngay sau phiên giảm sốc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định xu hướng tăng ngắn hạn tạm thời kết thúc song những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường vẫn còn. Kỳ vọng thị trường sẽ thiết lập vùng cân bằng mới ở khoảng 1.130 - 1.140 điểm trước khi tăng mạnh hơn vào cuối năm.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích MBS, dẫn chứng chính sách điều hành theo hướng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế GTGT kích thích tiêu dùng nội địa, nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường vốn và giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản đã hỗ trợ TTCK tăng điểm tích cực.

Chứng khoán sẽ ra sao sau phiên rớt hơn 55 điểm? - 1
Đồ họa: ANH THANH

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index ghi nhận mức tăng xấp xỉ 26%, là một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á. Đây vẫn là những yếu tố tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. "Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp (DN) niêm yết giảm 20,6% so với cùng kỳ trong quý II nhưng thấp hơn mức giảm trong quý I.

"Sức khỏe" của các DN niêm yết sẽ cải thiện hơn trong 2 quý cuối năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái cùng với xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, chi phí lãi vay thấp. Trên ước tính cơ sở lợi nhuận của các DN niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của thị trường trong khoảng 14 - 14,5 lần, chúng tôi dự báo VN-Index có thể hướng lên tới 1.280 - 1.320 điểm trong năm nay" - bà Trần Khánh Hiền nói.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng TTCK Việt Nam. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Khối Phân tích VNDIRECT, nêu yếu tố tích cực bao gồm: môi trường lãi suất thấp, Chính phủ bơm tiền thông qua các động thái đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng từ giảm thuế, phí, tăng lương cơ sở cùng xu hướng phục hồi của nền kinh tế…

Dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi sát sao những yếu tố rủi ro tác động đến TTCK như chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD có thể tạo nên áp lực về tỉ giá và dòng vốn khi xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn này đang khác biệt so với nhiều nước khác. Ngoài ra, chính sách điều hành của FED vẫn là một chỉ báo nhà đầu tư cần theo dõi sắp tới.

Một trong những lo ngại của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là tỉ lệ margin của các công ty chứng khoán. Thống kê của một số công ty chứng khoán cho thấy tỉ lệ margin vào cuối tháng 6-2023 đã ở mức khoảng 3,2% trên tổng dư nợ cho vay chứng khoán, xấp xỉ mức 3,4% là vùng đỉnh của giai đoạn 2021-2022. Do đó, việc một vài công ty chứng khoán tốp đầu bất ngờ cắt giảm margin đã khiến nhà đầu tư bất ngờ và phản ứng tiêu cực.

Do đó, trong những phiên tới, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có tỉ lệ margin chạm ngưỡng quy định cần hạ bớt để bảo đảm an toàn cho tài khoản. Trường hợp nhà đầu tư nếu mua vào cổ phiếu ở thời điểm này, cũng hạn chế tối đa dùng margin để tránh rủi ro.

Vụ China Evergrande Group chưa tác động

Liên quan tới China Evergrande Group, một trong những DN bất động sản hàng đầu Trung Quốc, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại Mỹ, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá việc này tác động không đáng kể tới thị trường bất động sản và chứng khoán Việt Nam. Vì chủ đề này không phải vấn đề mới, thực tế China Evergrande Group đã thực sự khó khăn từ cuối năm 2021.

"Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư... cần theo dõi sát, có phân tích, dự báo và có giải pháp ứng phó phù hợp" - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/xu-huong-tang-van-la-tich-cuc-20230820212153182.htm