Kinh tế

Cổ phiếu lập đỉnh, người đầu tiên 'giàu nhất Việt Nam' tìm lại vị thế

Giá vàng hôm nay 16/12 trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng nhanh trước những kỳ vọng mới về Fed.

Cổ phiếu Tập đoàn FPT (FPT) của người từng giàu nhất Việt Nam - ông Trương Gia Bình - tiếp tục tăng mạnh trong vài tháng gần đây và đang ở đỉnh cao lịch sử: khoảng gần 100.000 đồng/cp.

Với mức giá này, vốn hóa của FPT đạt hơn 87 nghìn tỷ, cũng cao nhất mọi thời đại. FPT tiếp tục là doanh nghiệp thuần công nghệ hàng đầu Việt Nam. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu FPT trị giá khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng vẫn nằm ngoài top 30 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Theo ước tính, tập đoàn của ông Trương Gia Bình lãi trước thuế gần 5.900 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21%.

FPT ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ mảng công nghệ, các hợp đồng ở thị trường nước ngoài tăng nhanh (khoảng 30%), lên trên ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Thị trường Mỹ và APAC tiếp tục dẫn đầu với tăng trưởng doanh thu lần lượt 45% và 40%.

Cổ phiếu lập đỉnh, người đầu tiên 'giàu nhất Việt Nam' tìm lại vị thế
Tin chứng khoán ngày 16/12: Chìm sâu thập kỷ, đại gia số 1 lấy lại vị thế

Với việc giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Trương Gia Bình giàu lên nhanh chóng. Tính từ đầu năm tới nay, ông Bình có thêm khoảng 2.300 tỷ đồng nhờ cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, so với các doanh nhân nổi sau như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long,  Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Bùi Thành Nhơn, Nguyễn Đức Thụy,... tài sản của ông Bình vẫn còn khiêm tốn.

Ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu đạt khoảng 221 nghìn tỷ đồng, trong khi ông Trần Đình Long có gần 56 nghìn tỷ đồng.

FPT là một doanh nghiệp nổi rất sớm và mang lại sự thịnh vượng cho nhiều người, từ các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn cho tới người lao động trong tập đoàn. Những người sáng lập và lãnh đạo thời kỳ đầu trong tập đoàn đều có tài sản hàng trăm, hàng nghìn tỷ như ông Bùi Quang Ngọc, ông Đỗ Cao Bảo, ông Lê Quang Tiến...

FPT từng là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chào sàn nổi sóng hồi cuối 2006 với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên tới 400 nghìn đồng/cp (giá điều chỉnh hiện tương đương khoảng 22.600 đồng/cp).

Ở thời điểm đó, FPT có vốn hóa lên tới 24 nghìn tỷ đồng và ông Trương Gia Bình là người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, cổ phiếu FPT suy giảm và đi ngang trong hơn một thập kỷ sau đó, trước khi bật tăng trở lại và lên đỉnh cao mới trong năm 2017. Từ đó tới nay, cổ phiếu FPT có xu hướng tăng giá và liên tiếp lập đỉnh cao mới, đặc biệt từ đầu 2021 tới nay.

Dù vậy, quy mô vốn hóa thị trường của FPT khiêm tốn so với một loạt dDN nổi lên sau đó. Vốn hóa của FPT hiện chưa tới 4 tỷ USD, trong khi Vingroup và Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều trên 15 tỷ USD. Vietcombank trên 16 tỷ USD. Vinamilk khoảng 10 tỷ USD, hay Hòa Phát cũng đạt 7 tỷ USD. DN mới thành lập ThaiHoldings của Bầu Thụy cũng đạt hơn 3 tỷ USD.

Cổ phiếu lập đỉnh, người đầu tiên 'giàu nhất Việt Nam' tìm lại vị thế - 1
Diễn biến chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 16/12

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu đi ngang với giao dịch có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo MBS, không riêng Việt Nam, thị trường toàn cầu đều đang ngóng những hành động tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 14-15/12 này. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại những biến động trong tuần đáo hạn phái sinh cũng như tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Do đó, việc chốt lời ở các cổ phiếu tăng mạnh xuất hiện trong phiên hôm nay là điều dễ hiểu. Về kỹ thuật, VN-Index xuất hiện 2 cây nến có thân nhỏ cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Trong trường hợp tích cực chỉ số tích luỹ hẹp với vùng hỗ trợ mạnh 1.460-1.465 điểm chỉ số sẽ có cơ hội tiến lên test vùng đỉnh cũ lịch sử (tương đương vùng 1.500-1.510 điểm).

Theo SHS, phiên giao dịch tiếp theo 16/12 sẽ là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2021 nên thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index và VN30 có thể sẽ biến động mạnh, nhất là ở thời điểm cuối phiên. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã tham gia bắt đáy trong phiên 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm hướng tới ngưỡng tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần danh mục.

Chốt phiên chiều 15/12, chỉ số VN-Index giảm 0,52 điểm xuống 1.475,5 điểm. HNX-Index giảm 0,98 điểm xuống 453,7 điểm. Upcom-Index giảm 0,36 điểm xuống 111,72 điểm. Thanh khoản đạt 30,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo V. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-16-12-co-phieu-lap-dinh-nguoi-dau-tien-giau-nhat-viet-nam-tim-lai-vi-the-801617.html