Kinh tế

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng

Đến nay đã có 25 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP, nguồn vốn chủ sở hữu…

Tăng 3.000 tỷ đồng

Ngày 26/12, Ngân hàng UOB Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, thông qua việc “bơm” vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Việc tăng vốn điều lệ này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo công văn ngày 28/11.

Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ 2 trong vòng 3 năm qua của Ngân hàng UOB Việt Nam. Theo UOB, việc tăng vốn sẽ góp phần giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong 5 năm tới, với trọng tâm cụ thể là thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ bên cạnh các dịch vụ ngân hàng bán buôn.

Ông Victor Ngo - Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam - cho biết, Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại Asean. Quyết định tăng vốn là minh chứng cho cam kết lâu dài của UOB đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng như niềm tin vào tiềm năng to lớn của đất nước.

"Với mức vốn tăng thêm này, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng” - ông Victor Ngo nói.

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng
Ngân hàng UOB Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng, thông qua việc “bơm” vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore.

Năm 2023 đánh dấu 30 năm UOB hiện diện tại Việt Nam. Ngân hàng này đã phát triển từ một văn phòng đại diện chỉ gồm 3 nhân viên trở thành một ngân hàng con 100% vốn sở hữu nước ngoài với hơn 1.300 nhân viên và 5 chi nhánh tại TPHCM và Hà Nội.

Giai đoạn 2018 - 2022, Ngân hàng UOB Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, với tổng tài sản đạt mức tăng trưởng trên 30%.

Hồi tháng 3, UOB đã hoàn tất việc mua lại mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam, từ đó tăng gấp đôi dư nợ cho vay và tiền gửi, tăng gấp 3 cơ sở khách hàng bán lẻ của Ngân hàng. Thương vụ này cũng giúp ngân hàng cung cấp một bộ sản phẩm cho vay tín chấp toàn diện đến khách hàng, gồm thẻ tín dụng và khoản vay tín chấp cá nhân; bổ sung vào các khoản vay có bảo đảm hiện có như cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô.

“Trong thời gian tới, UOB Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn thương mại và đầu tư ngày càng tăng vào Việt Nam. Gần đây, UOB đã gia hạn biên bản ghi nhớ với Cục Đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam, thúc đẩy tạo việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, số hóa, tăng trưởng xanh, bền vững, năng lượng mới, chất bán dẫn và tài chính”, ông Victor Ngo cho hay.

24 nhà băng khác cũng tăng

Không chỉ UOB Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang gấp rút tăng vốn điều lệ. Theo dữ liệu của Tiền Phong, đã có 24 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Các ngân hàng được chấp thuận, gồm MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, Kienlongbank, Nam A Bank, NCB, VPBank.

Nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư và phần lớn trả bằng cổ phiếu. Ước tính, có khoảng hơn 1,5 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được phát hành trong nửa cuối năm.

Eximbank phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ lên 17.569 tỷ đồng. OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để trả cổ tức với tỷ lệ 50%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

VPBank vừa chào bán xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên, giúp tăng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên hơn 6,7 tỷ cổ phiếu, ước tính thu về hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, VPBank sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

SeABank dự kiến phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm nay. Đối tượng được mua là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, cán bộ nhân viên của SeABank và các công ty con của SeABank, thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Giá phát hành sẽ là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng - 1
Hiện tại, đã có 24 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ.

SHB cũng vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về phương án phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 451 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ đồng.

Trước đó, SHB đã hoàn tất việc phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%.

Ngoài ra, HDBank đã có nghị quyết thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Techcombank cũng công bố thông tin về việc phát hành gần 5,3 triệu cổ phần theo chương trình ESOP năm 2023 để tăng vốn điều lệ lên thêm gần 523 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước cũng không nằm ngoài cuộc đua. BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11, tỷ lệ 12,69%.

Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng.

VietinBank có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng.

Vietcombank chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019 - 2020.

Theo Duy Quang (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/cuoc-dua-tang-von-dieu-le-cua-cac-ngan-hang-post1599138.tpo