Kinh tế

Cuối năm, nhiều ngân hàng chơi trò "lập lờ đánh lận con đen" để hút khách

Một số ngân hàng “quảng cáo” các chương trình khuyến mãi của mình một cách “lập lờ đánh lận con đen” khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Một số ngân hàng “quảng cáo” các chương trình khuyến mãi của mình một cách “lập lờ đánh lận con đen” khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Báo Kiến thức đưa tin, cuối năm là thời điểm nhiều ngân hàng tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhất để thu hút khách hàng gửi tiền hoặc vay tiêu dùng, mua sắm.

Dịp cuối năm nay cũng vậy, từ cách đây cả tháng nhiều ngân hàng đã tung ra các gói khuyến mãi tiền gửi hấp dẫn như tặng quà liền tay với hàng trăm nghìn quà tặng hữu ích, tặng thẻ cào may mắn với cơ hội trúng thưởng tiền mặt, vàng, xe, điện thoại, chuyến du lịch nước ngoài, quay số trúng thưởng cuối kỳ hay tăng lãi suất tiết kiệm...

Thế nhưng không phải ngân hàng nào cũng cho các “thượng đế” của mình tham gia các chương trình khuyến mãi của họ một cách vô điều kiện. Không những thế, một số ngân hàng còn “quảng cáo” các chương trình khuyến mãi của mình một cách “lập lờ đánh lận con đen” khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Cuối năm thu được một khoản tiền, chị H. ở Làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy – Hà Nội) mang 300 triệu đồng đi gửi tiết kiệm ngân hàng. Thấy Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Trần Đăng Ninh ở ngay tầng 1 tòa nhà B2 Làng Quốc tế Thăng Long treo biển giới thiệu “Lãi suất cao nhất ngày – Tiết kiệm Phát Lộc 7,1%”, chị liền vào đây để gửi tiền. Chờ mãi mới đến lượt giao dịch tuy nhiên, khi trao đổi với nhân viên giao dịch tại đây, chị H. mới biết để được hưởng mức lãi suất 7,1% như ngân hàng quảng cáo, chị phải gửi tiền với kỳ hạn 36 tháng và không được rút trước hạn. Còn nếu gửi dưới 36 tháng thì chỉ được nhận mức lãi suất cao nhất là 6,6%.

Biển giới thiệu lãi suất tiết kiệm Phát Lộc 7,1% của Techcombank trước cửa phòng giao dịch chi nhánh Trần Đăng Ninh. (Ảnh: Báo Kiến thức)


“Ngân hàng làm vậy khác gì đánh lừa khách. Biển treo phía ngoài phòng giao dịch chỉ nói gửi tiết kiệm Phát Lộc sẽ được hưởng mức lãi suất 7,1%, đâu có nói phải gửi kỳ hạn 36 tháng. Hơn nữa gói tiết kiệm Phát Lộc của Techcombank theo như giới thiệu trên website của ngân hàng lâu nay thì chỉ có mỗi điều kiện là mức tiền gửi tối thiểu phải từ 5 triệu đồng, còn kỳ hạn thì từ 1 tháng đến 36 tháng chứ không bắt buộc phải gửi 36 tháng. Cuối năm công việc bận bịu, tôi chỉ tranh thủ được chút thời gian ra ngân hàng gửi tiền. Vào Techcombank tôi phải ngồi đợi một lúc lâu mới tới lượt giao dịch nhưng cuối cùng lại nhận được câu trả lời không giống như ngân hàng quảng cáo khiến tôi rất bức xúc. Liệu kiểu quảng cáo mập mờ này có phải là chiêu của ngân hàng để “dụ” khách gửi tiền, vì sẽ có không ít người vì không có thời gian, lại sợ ôm một túi tiền đi tới ngân hàng khác giữa lúc đường phố cuối năm nhộn nhạo dễ bị trộm cướp nên đành “tặc lưỡi” gửi ở ngân hàng này cho nhanh?”, chị H. thất vọng nói.

Không chỉ tại Techcombank, một số ngân hàng khác cũng đã và đang có những chương trình khuyến mãi “đầu voi đuôi chuột” khi đưa ra rất nhiều điều kiện khắt khe kèm theo nhưng thông tin trên website hoặc trong các bài quảng cáo trên các báo đài, trang tin điện tử lại không thấy nói đến.

Chị Hiền ở đường Kim Giang (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, cách đây khoảng hơn 1 tháng chị thấy một số báo quảng cáo rầm rộ về chương trình khuyến mãi gửi tiền “Sinh nhật vui – Xuân hạnh phúc” của Sacombank. Theo đó, với mức gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng hoặc 300 USD, kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được phiếu bốc thăm may mắn hoặc thẻ cào để có cơ hội trúng thưởng ngay những phần quà giá trị như của các thương hiệu nổi tiếng như bàn ủi hơi nước, máy làm sữa đậu nành; máy đo đường huyết, bình đun siêu tốc Sanyo, thùng đựng gạo Philips, bình trà Minh Long… Khi gọi điện đến một phòng giao dịch của Sacombank để hỏi về xác suất trúng thưởng, chị Hiền được nhân viên cho biết xác suất trúng quà là 40 – 50%. Đặc biệt, với số tiền gửi cao hơn 5 triệu đồng hoặc 300 USD, hoặc kỳ hạn gửi tiền nhiều hơn 1 tháng, khách hàng được nhận thêm số phiếu bốc thăm may mắn hoặc thẻ cào tương ứng. Nghe vậy, chị Hiền liền hồ hởi mang tiền ra một phòng giao dịch của Sacombank gửi tiền. Nhưng khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, chị mới tá hỏa biết nếu tham gia chương trình khuyến mãi này thì mức lãi suất tiền gửi chị nhận được chỉ 2%/năm, trong khi mức lãi suất phổ biến của thị trường hiện gấp 3 mức đó. Vậy mà thông tin PR, quảng cáo về chương trình này trên các báo đều không hề nói gì đến điều kiện này.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hiện đang có chương trình khuyến mãi tiền gửi Tích lũy xuân sang – Khang trang tổ ấm. Một trong những nội dung của chương trình này là từ ngày 15/2/2016 đến 20/2/2016, khách hàng gửi tiền trong thời gian này với số tiền tối thiểu 50 triệu đồng hoặc 2.500 USD, kì hạn 1 tháng trở lên sẽ nhận được lì xì lộc xuân trị giá tới 100.000 đồng. Nhiều người mới đọc qua thông tin cứ tưởng nếu gửi tiền tại ngân hàng này với điều kiện như trên sẽ được nhận số tiền lì xì 100.000 đồng, nhưng thực tế thì không phải vậy. Thực tế là khách hàng sẽ được nhận tiền lì xì nhưng số tiền có thể là 100.000 đồng, nhưng cũng có thể chỉ 50.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng tùy vào kết quả bốc thăm của khách hàng.

Thông tin về chương trình khuyến mãi Tích lũy xuân sang – Khang trang tổ ấm trên website của TPBank không nói rõ ràng về mức tiền lì xì được nhận khiến nhiều khách hàng hiểu nhầm...


... Người nào tinh ý click vào dòng hyperlink ẩn phía gần cuối bài thì mới xem được thông tin cụ thể hơn về mức khuyến mãi của chương trình. (Ảnh: báo Kiến thức)


Tuy nhiên, điều đáng nói là vì sao ngân hàng không nói rõ ngay từ đầu là gửi tiền sẽ được nhận lì xì lộc xuân trị giá 20.000 đồng – 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng? Ngay cả thông tin về chương trình khuyến mãi này trên website của ngân hàng cũng không nói rõ ràng. Thay vào đó, khách hàng muốn biết kỹ hơn thì phải click vào một dòng hyperlink ẩn phía gần cuối bài.

Với những kiểu khuyến mãi mập mờ này, nhiều ngân hàng đang khiến người tiêu dùng "vỡ mộng".

Lách quy định

Báo Người lao động cũng thông tin, Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết đầu tháng 1-2016, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5%-5,4%/năm; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm. Tuy nhiên, một số NH thương mại lại có chiêu thức huy động tiền gửi từ 6 tháng trở xuống với lãi suất thực tế cao hơn lãi suất do mình công bố.

Theo tìm hiểu của PV, tại Ngân hàng NH A. (hội sở tại TP HCM) một nhân viên ngân hàng này tư vấn: Có thể gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,27%/năm. Tuy nhiên, sổ tiết kiệm chỉ thể hiện lãi suất 6,4%/năm (mức lãi suất NH này công bố), phần lãi suất còn lại 0,87% sẽ được chi trả cho người gửi bằng tiền mặt tại thời điểm mở sổ tiết kiệm.

Ví dụ nếu mở sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thì khách hàng sẽ nhận được con số 2,1 triệu đồng tiền mặt ngay thời điểm mở sổ.

“Nếu gửi tiếp số tiền vừa nhận được vào sổ tiết kiệm đã mở, lãi suất được tính theo cách nào?”, nhân viên NH trả lời: “Khách hàng phải mở thêm sổ tiết kiệm khác, lãi suất cũng như sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và chỉ áp dụng đến ngày 30/1. Anh nên gửi nhanh kẻo lỡ dịp hưởng được lãi suất cao”.

Lãnh đạo một số NH tại TP HCM cho biết mức lãi suất tiền gửi trên 7%/năm được nhiều NH áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Do đó, vào dịp giáp Tết (thời điểm khách hàng rút tiền nhiều), NH nào huy động vốn kỳ hạn 6 tháng với lãi suất ngang bằng kỳ hạn 12 tháng của NH khác, chứng tỏ NH đó đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Mặt khác, việc NH trả trước lãi suất bằng tiền mặt, sổ tiết kiệm không ghi đúng lãi suất mà khách hàng nhận được là cách lách quy định. Hiện có không ít doanh nghiệp lớn vay được cả ngàn tỉ đồng từ các NH lớn với lãi suất 4,5%-5%/năm rồi dùng một phần số tiền vay gửi vào NH khác để sinh lời.

Tuy các NH cạnh tranh lãi suất có lợi cho người gửi tiền nhưng giới phân tích cho rằng tình trạng này sẽ làm cho dòng tiền quanh quẩn giữa các NH.

Theo Ngọc Anh (Đời Sống & Pháp Luật)