Kinh tế

'Dự đoán tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ít nhất 2 năm đầu chạy phải bù lỗ'

TS Đinh Thế Hiển cho rằng, với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nỗi lo hiện nay là tính an toàn khi vận hành và nguồn thu từ bán vé có đủ để đáp ứng cho chi phí vận hành hay không.

Chuyên gia nhận định về "nỗi lo"

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã thống nhất với UBND TP Hà Nội dự kiến bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 6/11, để thành phố đưa vào khai thác thương mại.

Liên quan đến việc chuẩn bị vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước này, trao đổi với PV vào sáng 3/11, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, rõ ràng, nếu xét về hiệu quả của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã không đạt được so với các yêu cầu đưa ra trước khi khởi công.

Ông nói, điều thể hiện rõ nhất mà ai cũng nhìn thấy, đó là chi phí xây dựng bị đội lên rất nhiều so với dự toán vốn ban đầu. Bên cạnh đó, thời gian đưa tuyến đường vào vận hành bị kéo dài.

"Tuy nhiên, nỗi lo hiện nay là tính an toàn khi đưa vào vận hành, và nguồn thu từ bán vé cho hành khách đi tàu có đủ để đáp ứng cho chi phí vận hành hay không?", TS Hiển nêu.

Ông dẫn chứng, phương tiện xe buýt ở Hà Nội và TP.HCM dù đã vận chuyển hành khách công cộng từ lâu, phổ biến, giá cạnh tranh, lượng hành khách đi đông song cả 2 địa phương này vẫn phải trợ giá, thậm chí là bù lỗ cho nhiều tuyến.

'Dự đoán tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ít nhất 2 năm đầu chạy phải bù lỗ'
TS Đinh Thế Hiển.

"Nếu như ở Singapore hay Thái Lan, đã có nhiều tuyến đường sắt đô thị kết nối với nhau nên số lượng khách đi rất đông, thì ở Hà Nội, khi tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành mới có 1 tuyến đơn.

Vì vậy, việc di chuyển của người dân ở tuyến đường sắt này chắc chắn sẽ hạn chế hơn.

Do đó, việc phải bù lỗ là điều không thể tránh khỏi. Tôi cũng dự đoán, ít nhất, trong 2 năm đầu tiên, Hà Nội sẽ phải bù lỗ cho tuyến này", TS Hiển nêu và cho hay, Hà Nội cần chuẩn bị nguồn kinh phí trong 2 năm đầu để đảm bảo cho việc bù lỗ.

Về khả năng thu hồi vốn, trả nợ của dự án này, chuyên gia cũng chỉ rõ, việc này chưa thể nói được trong giai đoạn ít nhất 2 năm đầu.

"Nguồn thu ở đây sẽ dành chi trả cho 3 phần, gồm chi phí cho nhân công vận hành, khấu hao máy móc và dư ra mới là lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi dự án này vận hành trong 2 năm đầu, thì gần như nguồn thu chưa chắc đã đủ cho trả lương cho công dân, bộ máy, chi phí hoạt động điều hành chứ đừng đừng nói đến việc khấu hao hay thu hồi vốn, trả nợ vốn vay", TS Hiển nói thêm.

TS Hiển nhận định, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn tiền để bù lỗ cho dự án, chính quyền Hà Nội cũng cần chuẩn bị nguồn tiền cho việc duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sắt này sẽ phát sinh trong quá trình vận hành.

"Dự án này cũng giống như ngôi nhà mới đưa vào sử dụng, lúc thử nghiệm có thể chưa thấy nhưng đến khi vận hành vài tháng mới thấy được các vấn đề cần phải xem xét, xử lý. Khi đó, sẽ phải dùng tiền để khắc phục.

Do vậy, trong dự án này, Hà Nội cần chuẩn bị 2 nguồn tiền gồm bù lỗ trong giai đoạn đầu và đảm bảo khắc phục các vấn đề có thể xuất hiện trong quá trình vận hành thường xuyên", TS Hiển nói thêm.

Có nên để tư nhân tham gia vận hành?

Trước câu hỏi, có nên để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh -Hà Đông không, TS Hiển cho rằng, có thể mời gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia, nhưng sẽ rất khó thực hiện trong giai đoạn đầu.

Bởi ở giai đoạn đầu, đơn vị của Nhà nước sẽ phải quản lý, vận hành để kiểm tra chất lượng, độ an toàn của dự án cũng như các vấn đề liên quan khác.

"Chưa kể, ở giai đoạn đầu, tuyến đường sắt đô thị này chắc chắn không đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân tham gia đấu thầu vận hành. Bởi, metro không phải là một dự án sinh lợi mà nó mang ý nghĩa chiến lược về giao thông công cộng cho đô thị nhiều hơn.

Song, sau khi Nhà nước vận hành, nếu đơn vị tư nhân nào khảo sát thấy mình vận hành với chi phí sẽ thấp và lượng khách, doanh thu tốt hơn so với đơn vị Nhà nước đang làm có thể đề xuất để cơ quan chức năng xem xét đấu thầu.

Nếu có được doanh nghiệp tư nhân tham gia như vậy quá tốt", TS Hiển nói thêm.

TS Hiển cũng chỉ rõ, theo đề án phải hoàn thành vài tuyến đường sắt đô thị, kết nối với nhau mới tạo ra được hiệu quả, nhưng ngay ở tuyến đường sắt đầu tiên là Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy chi phí đầu tư quá lớn, bị đội vốn, thời gian và nỗi lo về bù lỗ vận hành.

"Việc này sẽ khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, với các tuyến sau này, dù có đề án, kế hoạch nhưng có đủ nguồn vốn để làm không và hiệu quả có còn đúng không.

Do vậy, ở đây rất cần có các đơn vị tư vấn độc lập, không mang trong đó quyền lợi của bất cứ ai để đánh giá lại toàn diện vấn đề đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị này", chuyên gia này đề xuất.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án (vay vốn Trung Quốc) được Bộ GTVT phê duyệt là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng hơn 9.200 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết, do dự án chậm hoàn thành bàn giao nên Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.

Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.

Trước đó, vào năm 2019, kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Bộ GTVT cho thấy, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.

Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đơn vị đã chuẩn bị đủ các điều kiện nhân sự để khai thác, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ngoài số lượng nhân sự được tuyển dụng theo quy mô ban đầu của dự án là 681, hơn 80 nhân sự cũng được tuyển dụng bổ sung, hoàn thành đào tạo, sát hạch để làm nhiệm vụ.

Đội ngũ lái tàu, nhân sự vận hành tuyến đường sắt này được tuyển dụng, đào tạo song song với quá trình triển khai dự án. Tổng số 37 lái tàu đã được cấp giấy phép, các chức danh vị trí công việc khác được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tất cả đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch Covid-19 .

Trong năm đầu tiên khai thác chính thức, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chuyên gia của Công ty Đường sắt đô thị Trung Quốc tham gia tư vấn, hỗ trợ quản lý, khai thác vận hành.

Việc này nhằm kết hợp tiếp tục đào tạo kỹ năng nghề thực tế cho lái tàu, đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống, cũng như nâng khả năng bảo đảm an toàn trong giai đoạn đầu.

Về giá vé, Sở GTVT Hà Nội thông tin, dự kiến giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.

Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/du-doan-tuyen-duong-sat-cat-linh-ha-dong-it-nhat-2-nam-dau-chay-phai-bu-lo-161210311191616858.htm