Kinh tế

Giá thuốc vẫn loạn, bệnh nhân vẫn bị “móc túi”!

Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7...

Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Tuy nhiên, trên thị trường giá thuốc vẫn mỗi nơi một giá, lợi nhuận giá bán lẻ cao hơn theo quy định…

Nghị định 54/2017/NĐ-CP vừa mới ban hành đã có một số quy định khá sát sao để hạn chế hiện tượng thả nổi giá thuốc trên thị trường thời gian qua. Để hạn chế việc “kê khai” tùy ý, muốn kê sao thì kê, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét mức độ hợp lý của giá thuốc được kê khai, và có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh.

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1.7, lợi nhuận bán lẻ không quá 2-15%. Giá thuốc bán lẻ phải bán theo tại các cơ sở khám-chữa bệnh cũng tính theo cách tính cụ thể. Tuy nhiên, dù đã gần 1 tuần sau khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực giá thuốc trên thị trường vẫn loạn, thậm chí nhiều thuốc tính cao hơn giá quy định. Và thực tế, giá thuốc dù cao thế nào, người bệnh vẫn răm rắp mua theo.

Tại cửa hàng thuốc tư nhân Thu Hương (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội), thuốc Fugacar 500mg có giá bán lẻ 16.000 đồng/viên. Cũng loại thuốc này tại nhà thuốc T.Tr (đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình) có giá 18.000 đồng/viên. Trong khi đó, kê khai giá thuốc nhập khẩu tại Cục Quản lý dược ngày 30.6 thuốc này có giá 13.700 đồng/viên.

Một loại thuốc khác là Strepsils giá bán lẻ 2.300 đồng/viên, trong khi giá kê khai là 1.044 đồng/viên. Thuốc Augmentin 500mg có giá bán lẻ 15.334 đồng/gói trong khi giá kê khai là 9.627 đồng/gói… Hay thuốc Efferalgan tại nhà thuốc Thu Hương bán lẻ 3.500 đồng/viên, giá nhập 2.500 đồng/viên, giá kê khai bán buôn tại Cục Quản lý dược là 1.871 đồng/viên.

Giá thuốc vẫn loạn, bệnh nhân vẫn bị “móc túi”! ảnh 1

Đường đi của giá thuốc từ nhà nhập khẩu đến tay người bệnh. Đồ họa: BTK

Tại một nhà thuốc khác trên đường Nguyễn Văn Lượng (P16, Gò Vấp), giá thuốc Efferalgan (hoạt chất paracetamol 500mg) bán với giá 3.000 đồng/viên, chênh lệch 1.100 đồng/viên so với giá của Bộ Y tế (giá 1.871 đồng/viên). Thuốc trị bao tử Losec Mups (chứa hoạt chất omeprazole 20mg) có giá bán lẻ là 30.000 đồng/vỉ. Trong khi đó giá của Bộ Y tế là 24.318 đồng/vỉ.

Chỉ riêng với loại thuốc Dexamethasone, khảo sát 4 quầy thuốc trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, mỗi nơi một giá khác nhau. Quầy bán giá thấp nhất là 2.000 đồng/ống. Còn mức giá trung bình là 5.000 đồng/ống, cao gấp 2,5 lần.

Đặc biệt, quầy thuốc số 193 Giải Phóng, mức giá cho mỗi ống thuốc này lên tới 15.000 đồng/ống, cao gấp đến 7,5 lần so với cửa hàng rẻ nhất. Trong khi đó, giá bán buôn chưa đến 1.000 đồng/ống. Người bán khẳng định thuốc giá cao hơn do thuốc nhập ngoại, trong khi thuốc này được sản xuất tại Vĩnh Phúc. Giá mỗi một ống thuốc từ nhà thuốc này khi đến tay người bệnh đã cao gấp hơn 15 lần so với mức giá của nhà sản xuất phân phối cho các nhà thuốc hiện nay.

Việc các cửa hàng thuốc tây bán lẻ với giá khá chênh lệch cũng không khiến người mua phản ứng. Họ cho rằng sự chênh lệch đó không đáng nói và không cần thiết phải cân nhắc. Chị Kim Thảo (ở phường 17, quận Gò Vấp) cho rằng: “Thực sự là tôi không biết giá thuốc như thế nào thì hợp lý, cũng chẳng có cách nào để so sánh. Nhưng nếu biết, tôi cũng không mặc cả, bởi chẳng mấy khi bệnh để đi mua thuốc như thế này”.

Kìm cương bằng cách nào?

Theo phân tích của một chuyên gia dược, đơn cử thuốc Efferalgan nếu giá nhập là 2.500 đồng/viên, giá bán lẻ chỉ được bán 2.750 đồng/viên vì cộng thặng số bán tăng 10%. Hay thuốc Fugacar 500mg giá nhập bằng hoặc thấp hơn 13.700 đồng/viên, thì giá bán lẻ chỉ được bán 14.659 đồng.

Quy định về việc bắt buộc niêm yết giá tại cửa hàng đã có từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, quy định này chỉ dừng ở mức bắt buộc bán đúng giá được niêm yết. Như vậy, quy định này vô tác dụng, khi các cơ sở bán thuốc tây tha hồ niêm yết tùy ý và bán theo giá niêm yết này, dù có “chặt chém” ra sao cũng không sợ bị phạm luật, vì đã bán đúng với giá được chính mình niêm yết.

Để nghị định thực sự đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự giám sát sát sao của cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo, không những có trách nhiệm với sức khỏe của mình mà còn phải có trách nhiệm với đồng tiền. Sự tham gia của người dân trong công tác giám sát các hoạt động kinh doanh thuốc thành phẩm không những tránh hành vi “móc túi” người bệnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của bệnh nhân mà còn giúp nghị định mới được thi hành triệt để.

Trao đổi với Báo Lao Động, một cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cho biết, về nguyên tắc các DN nhập khẩu thuốc có thể chọn bất cứ Chi cục Hải quan nào để làm thủ tục thông quan. Liên quan tới giá thuốc, vị cán bộ này nói, giá khai báo hải quan của các DN nhập khẩu thuốc tương ứng với giá trong hoá đơn và hợp đồng nhập khẩu đồng thời tuân thủ theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cơ quan hải quan sẽ chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu nghi vấn về nguồn gốc cũng như giá.

Giá thuốc vẫn loạn, bệnh nhân vẫn bị “móc túi”! ảnh 2

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Về phía Bộ Y tế, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, giá thuốc đã được quản lý theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành. Cục Quản lý dược đã tiến hành tập huấn cho các địa phương Nghị định 54. Nghị định đã nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc, người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, kiểm soát về giá thuốc nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc thì xử lý, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp không thực hiện kê khai, kê khai lại; kê khai không đầy đủ giá thuốc theo quy định; Bán thuốc cao hơn giá đã kê khai hoặc kê khai lại đang có hiệu lực…

Theo Nhóm PV (Lao Động)