Kinh tế

Hà Nội tuyệt đối không “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ

“Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là Thành phố của sông, hồ. Cho nên, tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ”.

“Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là Thành phố của sông, hồ. Cho nên, tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ”.

Hà Nội tuyệt đối không “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ

Hồ Thành Công (Ảnh Internet).

Tuyệt đối không lấp hồ

Trước đề xuất trên, ngay tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, cải tạo chung cư cũ là một việc làm vô cùng khó khăn. Dù chúng ta bàn nhiều, không ít ý kiến thuyết phục, các giải pháp tưởng có vẻ khả thi mà diễn biến để hiện thực hóa không dễ dàng.

“Đề xuất của DN Việt Hưng khẳng định sẽ hoàn trả đủ diện tích 1ha mặt nước đã lấy đi của hồ Thành Công, nhưng tôi hỏi lấy gì đảm bảo? 1ha mặt hồ mới sẽ nằm ở đâu? Đất công hay đất tư? Việc xóa bỏ quy hoạch khu vực này càng không khả thi. Phải hướng cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, tuân thủ theo đúng quy hoạch chung bằng những giải pháp nhân văn chứ không thể “xôi đỗ”. Vấn đề tạm cư hay vấn đề di chuyển có thể lựa chọn nhiều mô hình khác hài hòa hơn” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Phó Chủ tịch Nguyễ Thế Hùng đưa ra một số gợi ý cho tái định cư cho người dân khi cải tạo các khu chung cư cũ đó là tạm cư cho người dân bằng tiền để người dân tự đi thuê, hay một số DN có nhà ở thương mại có thể cho dân thuê hoặc di dời dân về ở tạm thời. Ông Hùng cho hay, TP Hà Nội hiện đang khuyến khích các DN lập quy hoạch xác định vị trí, xây dựng nhà cho người dân trước để “mắt thấy tai nghe”. Khi người dân chuyển vào nhà ở ổn định rồi mới làm tiếp các phần khác theo quy hoạch.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định dứt khoát: “Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là TP của sông, hồ. Cho nên, tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ, mà cần tìm một địa điểm thích hợp hơn. Đó là bài toán chúng ta phải giải”.

Chỉ là ý kiến đơn phương của doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, từ địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, Vihajico đang tiến hành điều tra, thu thập ý kiến của người dân địa phương về vấn đề tái định cư. “Phường chỉ biết trong bảng hỏi đưa đến tay người dân có câu hỏi, liệu người dân có muốn được tái định cư tại chỗ hay không. Còn về đề xuất lấp hồ, DN chưa hề thông báo hay đưa ra để cùng bàn bạc với chính quyền hay Nhân dân địa phương” - ông Lâm khẳng định.

Khẳng định việc lấp hồ làm khu tái định cư là việc lớn, vượt quá thẩm quyền của phường, quận, với quan điểm cá nhân, ông Ngô Ngọc Lâm cho rằng ông rất ngỡ ngàng và không ủng hộ đề xuất của DN.

Đề xuất khó có thể chấp nhận được

Đứng ở góc độ chuyên gia, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nói: Khi Nhà nước, Quốc hội đã khẳng định cải tạo chung cư cũ phải tuân theo quy hoạch; yêu cầu của TP phải gia tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì đề xuất lấp hồ đi chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư là điều khó có thể chấp nhận được.

“Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch. Kể cả trong trường hợp DN bù lại 1ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì chắc chắn cũng chưa tính tới sự biến đổi về sinh thái, về mô hình sử dụng đất. Đền bù 1ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, vì hồ nước còn liên quan tới vấn đề thoát nước mặt, liên quan tới địa chất, thủy văn. Đặc biệt, với những hồ ở nội đô đã ổn định thì luôn gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của cả khu vực. Những điều này DN đã tính hết chưa” - TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

“Tôi khẳng định, đây chỉ là ý kiến đơn phương của DN và chưa hề có sự bàn bạc trước với địa phương” – Ông Ngô Ngọc Lâm nói.

Theo Hoàng Hương (Tuổi Trẻ Thủ Đô)