Kinh tế

Lý do khiến giá vàng giảm kỷ lục, tối đi ngủ sáng mở mắt đã bay hàng triệu đồng

Giá vàng hôm nay tiếp tục chuỗi ngày giảm sốc và được dự báo vẫn có thể giảm sâu hơn nữa.

Vàng thế giới đã giảm mạnh gần 100 USD/ounce sau thông tin Nga phê duyệt vắc xin COVID-19, tương đương 5,6% chỉ trong 1 ngày, xuống còn 1.918 USD/ounce, mức thấp nhất ghi nhận trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 11/8) là 1.899,6 USD/ounce.

Giá vàng thế giới giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm kinh hoàng của vàng trong nước. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh 2 triệu đồng/lượng so với ngày 11/8.

Tính từ giá đóng cửa phiên 7/8, kim loại quý thế giới đã giảm 150 USD, xấp xỉ 7% sau chưa đầy nửa tuần. Đây cũng là mức lỗ ròng nhà đầu tư vàng quốc tế phải chịu nếu mua vào từ 4-5/8.

Lý do khiến giá vàng giảm kỷ lục, tối đi ngủ sáng mở mắt đã bay hàng triệu đồng
Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của Kitco, vàng giảm mạnh được thúc đẩy từ việc bán tháo của giới đầu tư nhằm mục đích chốt lời, hành động này được đẩy mạnh kể từ chiều thứ 3 (giờ Mỹ). Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex thậm chí đã giảm 5,61% trong ngày, xuống 1.925,2 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế lạc quan, kỳ vọng về gói hỗ trợ COVID-19 mới của Mỹ và chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục đã khiến giới đầu tư kém mặn mà với thị trường trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư bắt đầu đổ tiền trở lại vào các kênh rủi ro hơn như chứng khoán.

Ngoài ra, đồng USD giữ vững đà tăng giá cũng khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Đợt giảm giá mạnh này của kim loại quý còn có thể dẫn tới một làn sóng bán tháo do hoạt động margin call (đóng lệnh giao dịch khi thua lỗ đến một mức nhất định). Từ đó, nhiều chuyên gia dự đoán, giá vàng còn có thể giảm sâu hơn nữa trong vài ngày tới.

Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích đã cảnh báo về việc kim loại quý có thể bị điều chỉnh mạnh về dưới ngưỡng 1.920 USD/ounce trước khi tăng trở lại mốc 2.000 USD và cao hơn.

Ông Bart Melek, chuyên gia chiến lược toàn cầu của TD Securities cho biết vàng đã tăng rất mạnh từ tháng 7 khi được thúc đẩy bởi tỷ giá, kỳ vọng lạm phát tăng và giá trị đồng USD suy yếu. Vàng quay đầu xảy ra khi đồng USD cho thấy dấu hiệu phục hồi và tỷ giá thực đảo ngược.

"Ngoài ra, tốc độ mua vàng và bạc của các quỹ ETF vốn là động lực chính cho đợt tăng giá vàng thời gian qua cũng đang mất dần động lực", ông Melek nói.

Về dài hạn, chiến lược gia đầu tư Yung-yu Ma tại BMO Wealth Management chỉ ra 2 yếu tố khác có ảnh hưởng lớn tới quỹ đạo của giá vàng. "Đó là việc phát triển vaccine chống COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới", chuyên gia này nói với CNBC. "Sự xuất hiện của vaccine chống COVID-19 sẽ triệt tiêu những yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá vàng", ông khẳng định.

Những bất ổn chính trị của Mỹ cũng có thể giúp giá kim loại quý hưởng lợi. Theo nhà phân tích cao cấp Edward Moya của Oanda, các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản "trú ẩn" an toàn khi mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc ngày một xấu đi.

Tom Fitzpatrick – nhà phân tích kỹ thuật tại Citigroup cũng cho rằng "các yếu tố nền tảng hỗ trợ giá vàng chưa biến mất". "Tôi cho rằng giá cuối năm nay sẽ lên 2.400 USD một ounce", ông nói.

Michael Widmer – Giám đốc nghiên cứu kim loại quý tại BofA thì nhận định đà tăng chỉ đang tạm dừng và giá mục tiêu trong 18 tháng của ngân hàng này vẫn là 3.000 USD. "Khủng hoảng tài chính vẫn chưa biến mất và việc đồng đôla mất giá cũng vậy. Các ngân hàng trung ương vẫn đang hỗ trợ chính phủ. Tôi cho rằng đây là bệ đỡ vững chắc giúp vàng lên 3.000 USD", ông giải thích.

Theo Lily (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/thi-truong/ly-do-khien-gia-vang-giam-ky-luc-toi-di-ngu-sang-mo-mat-da-bay-hang-trieu-dong-2020081210214654.htm