Kinh tế

Ngân hàng dành 20.300 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp

Khoảng 20.300 tỉ đồng là con số mà các ngân hàng đã cam kết hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Số tiền này lấy từ nguồn cắt giảm lợi nhuận, tuỳ quy mô ngân hàng.

Khoảng 20.300 tỉ đồng là con số mà các ngân hàng đã cam kết hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Số tiền này lấy từ nguồn cắt giảm lợi nhuận, tuỳ quy mô ngân hàng.

Giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5-2,0%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các ngân hàng giảm các mức lãi suất cho vay.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.

Ngân hàng dành 20.300 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam

“Ngoài việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không chuyển nhóm các doanh nghiệp thì việc giảm lãi là thiết thực nhất, cụ thể nhất. Thống kê sơ bộ, kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng là khoảng 18.830 tỉ đồng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết,

Nếu tính các khoản hỗ trợ đã thực hiện từ đợt dịch năm 2020 đến nay, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ được xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, lãi, được hỗ trợ lãi suất ở mức độ phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, vừa qua, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, NHNN còn chỉ đạo triển khai các chính sách tín dụng, chính sách xã hội khoảng 7.500 tỉ, đóng góp trong gói 26.000 tỉ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19.

Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc khi triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ vào năm 2020, theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ năm 2021 hiệu quả hơn, đến nay đã giải ngân được khoảng 150 tỉ đồng. NHNN đang theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai quyết liệt, bảo đảm tín dụng chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động đi đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng…

16 ngân hàng cam kế hỗ trợ hơn 20 nghìn tỉ đồng

Hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, thường xuyên yêu cầu có các chương trình hành động nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép". Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cơ cấu, hoãn, giãn các khoản nợ đến hạn, không chuyển nhóm nợ doanh nghiệp…

Mới đây nhất, 16 ngân hàng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỉ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỉ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các ngân hàng này đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TPHCM, Bình Dương…

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực. Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Theo Trà My (Lao Động)




https://laodong.vn/kinh-te/ngan-hang-danh-20300-ti-dong-ho-tro-lai-suat-cho-cac-doanh-nghiep-940988.ldo