Kinh tế

Nhóm thế lực bậc nhất Ninh Bình rút lui, ông lớn ngân hàng tính vụ mới

Ngay sau khi những người liên quan ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành rút lui khỏi LienVietPostBank, ngân hàng này có những bước đi mới trị giá nhiều nghìn tỷ đồng.

HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank (LPB) vừa quyết định triển khai phương án tăng vốn điều lệ cho các chương trình tăng vốn còn lại theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Theo đó, LienVietPostBank sẽ phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 35 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.

Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 3.667 tỷ đồng. Trước đó, LienVietPostBank đã phát hành 129 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12%. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng đã tăng lên mức 12.036 tỷ đồng.

LienVietPostBank tăng vốn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khá tốt. Nhóm ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng ngay giữa đại dịch và người liên quan tới phó chủ tịch Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) bán ra nhiều cổ phiếu LPB.

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai ông Thụy đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian 1-15/12.

CTCP Thaiholdings (THD) của ông Nguyễn Đức Thụy vừa bán xong 22,4 triệu cổ phiếu LPB, thu về hơn 500 tỷ. Thaiholdings là đơn vị liên quan trực tiếp với ông Nguyễn Đức Thụy.

Nhóm thế lực bậc nhất Ninh Bình rút lui, ông lớn ngân hàng tính vụ mới
Ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy).

Bầu Thụy hiện sở hữu cá nhân hơn 34,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,85% vốn cổ phần LienVietPostBank.

Ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến là doanh nhân nổi tiếng nhất Ninh Bình. Sinh năm 1976, Bầu Thụy bắt đầu với xi măng và nổi lên trong lĩnh vực bóng đá. Sau đó, với vai trò là ông chủ Tập đoàn Xuân Thành, ông Thụy gây chú ý với thương vụ đình đám bỏ nghìn tỷ, vượt qua tất cả các đại gia lớn phía Bắc để thâu tóm Khách sạn Kim Liên có diện tích đất vàng khủng tại vành đai 1 Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Thụy hiện nắm giữ hơn 87,4  triệu cổ phiếu Thaiholdings (mã THD) trên sàn chứng khoán, trị giá gần 22,2 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản của ông Thụy có thể nhiều hơn.

Cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings tăng giá mạnh kể từ khi lên sàn hồi giữa 2020 và đã vượt ngưỡng 250 nghìn đồng/cp.

Nếu chỉ tính riêng khối tài sản quy ra từ cổ phiếu Thaiholdings, Bầu Thụy là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán, chỉ sau 6 tỷ phú USD được Forbes xếp hạng là: ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) và ông Bùi Thành Nhơn, bà Phạm Thu Hương và ông Nguyễn Phát Đạt (PDR).

Cuối năm, nhiều ngân hàng cũng dồn dập tăng vốn. VietCapitalBank vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.618 tỷ đồng. VietCapitalBank cũng phát hành cổ phiếu ESOP với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 150 tỷ đồng.

ABBank cũng đã nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn... Ngân hàng SHB cũng tăng vốn từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng.

Nhóm thế lực bậc nhất Ninh Bình rút lui, ông lớn ngân hàng tính vụ mới - 1
Biến động chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 13/12

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ lên trên ngưỡng ngưỡng 1.470 điểm. Cổ phiếu ngân hàng, trong đó có Vietcombank bứt phá.

Theo MBS, thị trường điều chỉnh phiên thứ Sáu dưới sức ép từ các cổ phiếu trụ đã có tác dụng rũ bỏ lượng hàng bắt đáy, thị trường có sự phân hóa rõ nét với sự nổi bật từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, bên cạnh đó dòng tiền cũng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội. Về kỹ thuật, phiên điều chỉnh cuối tuần không làm ảnh hưởng đến nhịp phục hồi về đỉnh cũ của chỉ số VN-Index, thị trường cũng cần có những phiên điều chỉnh để loại bớt sức nặng từ lượng hàng T+ trong quá trình retest mức đỉnh cũ.

Theo VDSC, VN-Index bắt đầu có diễn biến tranh chấp khi hướng đến gần vùng cản 1.480 điểm. Nhịp hồi phục của chỉ số đã chững lại và lùi bước nhẹ. Thanh khoản tăng so với 3 phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình 50 phiên, thể hiện Nhà đầu tư đang tranh thủ chốt lời ngắn hạn nhưng áp lực bán chưa kiên quyết. Hiện tại, VN-Index đang tạo thế cân bằng giữ cung và cầu sau đợt sụt giảm và hồi phục gần đây. Với diễn biến hiện tại, VDSC cho rằng VN-Index sẽ tạm thời lưỡng lự trước cản 1.480 điểm ít phiên để thăm dò tình hình trước khi thể hiện tín hiệu xu thế cụ thể.

Chốt phiên chiều 9/12, chỉ số VN-Index tăng 15,11 điểm lên 1.467,98 điểm. HNX-Index tăng 0,62% lên 452,53 điểm. Upcom-Index tăng 0,46% ên 111,8 điểm. Thanh khoản đạt 24,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo V. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-13-12-the-luc-bac-nhat-ninh-binh-rut-lui-lienvietpostbank-tinh-thuong-vu-nghin-ty-800670.html