Kinh tế

Tài chính hạn hẹp bất chấp rủi ro mua nhà, đất không sổ

Mua nhà, đất không sổ hay sổ đồng sở hữu do tài chính hạn hẹp là lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh giá nhà tăng cao. Mặc dù hình thức này giúp giảm gánh nặng tài chính nhưng nó đi kèm với nhiều rủi ro đáng kể.

Bất chấp rủi ro vì giá rẻ

Từ đầu năm 2024, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng đột biến, trong khi nguồn cung nhà ở, đặc biệt là những căn hộ giá rẻ lại rất hạn chế. Điều này khiến cho những người có nhu cầu ở thực gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và mua sắm nhà. Nhiều gia đình có tài chính hạn hẹp đã lựa chọn mua nhà, đất chung sổ để an cư lạc nghiệp.

Trường hợp của anh Minh và chị Lan, một cặp vợ chồng trẻ có thu nhập trung bình tháng khoảng 20 triệu đồng. Họ đã tiết kiệm được 500 triệu.

Anh chị cho biết cũng đã tìm hiểu nhiều căn chung cư cũ xây dựng khoảng 10 – 15 năm giá bán bây giờ cũng dao động từ 3 – 3,5 tỷ đồng. Nếu để mua một căn hộ chung cư thì gia đình anh chị phải vay thêm khoảng 2 – 3 tỷ đồng, vượt quá khả năng chi trả của anh chị.

Do đó, anh Minh cho biết vợ chồng anh chị đã quyết định mua một căn nhà nhỏ, không sổ 15m2 được xây dựng 3 tầng tại Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội) với giá 1,1 tỷ đồng, phần thiếu thì vay thêm người thân, bạn bè và trả dần.

Anh Minh cho rằng dù biết mua nhà không sổ sẽ có những rủi ro về pháp lý nhưng vì không có lựa chọn nào khác phù hợp hơn với tài chính hạn hẹp của gia đình. Trước mắt gia đình sẽ ổn định, không phải đi thuê nhà.

Tài chính hạn hẹp bất chấp rủi ro mua nhà, đất không sổ
Nhiều gia đình có tài chính hạn hẹp đã lựa chọn mua nhà, đất chung sổ hoặc không sổ để an cư lạc nghiệp.

Tương tự như anh Minh, anh Tài đã quyết định mua một căn nhà trong ngõ tại Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) xây mái bằng có diện tích 28 m2, 1 phòng ngủ, gác xép, sổ đỏ đồng sở hữu với giá hơn 2,8 tỷ đồng. Đây là mức giá rẻ hơn rất nhiều so với những căn nhà tương tự ở cùng khu vực.

Hay như trường hợp của anh Duy (Hà Nam) và Chị Vân (Bắc Giang) là hai người bạn thân, cả hai đều đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, muốn mua nhà riêng nhưng tài chính hạn hẹp. Giá nhà, đất ở khu vực trung tâm thì quá cao, mỗi người chỉ có khoảng gần 1 tỷ đồng tiết kiệm, không đủ để mua nhà đất có vị trí thuận lợi. Sau nhiều lần bàn bạc, đôi bạn cùng quyết định mua chung 1 mảnh đất 80 m2 ở Hoài Đức. Phần diện tích đất này chưa được cấp sổ nên có giá rất hợp lý. Họ thỏa thuận chia đôi diện tích, mỗi gia đình sở hữu 40 m2 để xây dựng nhà riêng biệt.

Người mua phải đối mặt với những rủi ro nào?

Lợi ích của việc mua nhà, đất không sổ hoặc sổ chung là giá thành rẻ hơn so với nhà sổ riêng, điều này giúp những người có tài chính hạn hẹp có cơ hội sở hữu bất động sản.

Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro nhất định. Một trong những rủi ro lớn nhất khi sở hữu nhà, đất sổ chung là khả năng không thể tách sổ riêng. Điều này thường xảy ra khi diện tích đất không đáp ứng các tiêu chí tách thửa do địa phương quy định, hoặc vì các lý do hành chính khác.

Khó khăn trong việc khai thác và sử dụng, mọi quyết định liên quan đến việc sử dụng nhà đất sổ chung đều cần sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. Điều này có thể gây ra phiền phức, đặc biệt khi mối quan hệ giữa các bên không tốt.

Rủi ro lớn có thể kể đến là khi nhiều người cùng sở hữu một bất động sản, tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng và giá trị tài sản. Nếu không có thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn kéo dài.

Bên cạnh đó, việc bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, đất sổ chung sẽ rất phức tạp, vì cần có sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. Điều này thường dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc tìm kiếm người mua và có thể làm giảm giá trị bất động sản.

Ngoài ra, còn gặp khó khăn trong việc thế chấp. Thực tế, rất ít ngân hàng chấp nhận thế chấp nhà đất sổ chung do tính phức tạp pháp lý và yêu cầu sự đồng thuận từ tất cả các đồng sở hữu. Việc này có thể hạn chế khả năng vay vốn cần thiết cho người mua.

Theo Duy Minh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/tai-chinh-han-hep-bat-chap-rui-ro-mua-nha-dat-khong-so-post1680602.tpo