Kinh tế

Tham vọng 'cục pin của Đông Nam Á', Lào chìm trong các khoản nợ tỷ USD

Lào đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong nhiều tháng qua. Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã dần mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Lào, đánh giá quốc gia này có mức rủi ro cao nhất.

Tham vọng 'cục pin của Đông Nam Á', Lào chìm trong các khoản nợ tỷ USD
Lào đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ sau nhiều năm vay tiền Trung Quốc để phát triển kinh tế.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nợ công và nợ công được chính phủ bảo lãnh của Lào hiện đang ở mức 123% GDP tính đến năm 2023. Hơn một nửa trong số này là nợ Trung Quốc, quốc gia đã tài trợ cho nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Lào trong những năm gần đây.

Dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất mà Trung Quốc tài trợ cho Lào chính là tuyến đường sắt cao tốc trị giá 5,9 tỷ USD được khánh thành vào tháng 12/2021.

Tuyến đường sắt cao tốc này nối liền thành phố Côn Minh ở phía Nam Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào và là một mắt xích quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhờ có tuyến đường sắt cao tốc này, thời gian đi từ Viêng Chăn đến Boten, tỉnh gần với Vân Nam đã giảm từ 15 giờ đi ô tô xuống còn chưa đầy 4 giờ.

Tham vọng 'cục pin của Đông Nam Á', Lào chìm trong các khoản nợ tỷ USD - 1
Tuyến đường sắt cao tốc khiến Lào nợ 1,9 tỷ USD.

Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cho hay, dự án tuyến đường sắt cao tốc này có giá trị tương đương 1/3 GDP của Lào. Quốc gia Đông Nam Á đã phải gánh khoản nợ 1,9 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này.

Không chỉ vậy, Lào cũng đã mắc vào những khoản nợ khổng lồ trong thập kỷ qua khi liên tục xây dựng hàng loạt con đập dọc sông Mê Kông và các nhánh của nó. Ước tính đã có 400 dự án thủy điện đã hoặc đang được xây dựng tại Lào nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành “cục pin của Đông Nam Á”. Thế nhưng, trái ngược với những toan tính của Viêng Chăn, những dự án này lại khiến quốc gia gần như nghèo nhất khu vực ASEAN nhanh chóng chìm trong nợ nần.

“Lào đã tập trung quá nhiều vào khai thác thủy điện, tài nguyên thiên nhiên cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng mà không chịu đào tạo kỹ năng, đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe hoặc tạo ra việc làm cho người dân”, ông Kearrin Sims, một học giả về phát triển tại Đại học James Cook ở Úc, nói. “Sự yếu kém trong quản lý kinh tế” của chính phủ Lào khi theo đuổi các dự án này đã gây tổn hại cho sự phát triển bền vững".

Tham vọng 'cục pin của Đông Nam Á', Lào chìm trong các khoản nợ tỷ USD - 2
Các công trình thủy điện đã khiến Lào chìm sâu trong nợ nần.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, để chi trả cho các dự án này, chính phủ Lào phải đối mặt với khoản thanh toán nợ công trung bình hàng năm là 1,2 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm tới.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về nước Lào của ADB, Emma Allen, nói: Với GDP dự kiến chỉ đạt 14,09 tỷ USD trong năm 2023, “nợ công hiện đang ở mức nghiêm trọng” và “việc trả nợ gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng phát triển kinh tế của Lào”.

Bà Mariza Cooray, nhà kinh tế cấp cao của Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Viện Lowy, nhận định: “Cuộc khủng hoảng nợ của Lào thực chất có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì mà thế giới đang thấy”. Bà nghi ngờ về khả năng trả nợ của Lào và cho rằng chính phủ nước này đã “tự đào hố chôn mình”.

“Tôi không biết liệu họ có đạt được mức tăng trưởng vượt bậc cần thiết để tránh khỏi tình trạng vỡ nợ hay không. Hiện chiến lược của Lào là tìm cách thoát khỏi tình trạng đó, nhưng tôi không nghĩ điều đó khả thi”, bà nói. Bà Mariza Cooray cũng lo ngại nếu đồng kip không ổn định, “nợ sẽ còn tăng vọt”.

Giá trị đồng kip của Lào đã giảm một nửa trong 2 năm qua, xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào tháng 9 khi 20.000 kip Lào mới đổi được 1 USD. Theo Allen của ADB, điều này đã khiến giá cả tại quốc gia vốn phụ thuộc vào nhập khẩu tăng cao với lạm phát lương thực đạt mức trung bình 46% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay.

Tham vọng 'cục pin của Đông Nam Á', Lào chìm trong các khoản nợ tỷ USD - 3
"Không có lối thoát nào cho lào ngoài việc xóa nợ".

Các cơ quan xếp hạng tín dụng cũng dần mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Lào, đánh giá quốc gia này có mức rủi ro cao nhất. Vào tháng 6/2023, Tập đoàn bảo hiểm tín dụng Credendo đã hạ mức xếp hạng rủi ro chính trị trung và dài hạn của Lào xuống mức cao nhất là 7/7.

Việc Trung Quốc tạm hoãn thanh toán nợ đã giúp Lào ngăn chặn được một vụ vỡ nợ. Tuy nhiên, về lâu dài, không có lối thoát nào cho quốc gia Đông Nam Á này ngoài việc xóa nợ, một tiền lệ mà dám chắc Bắc Kinh không muốn thực hiện, bà Cooray nói.

Đến nay, chính phủ Lào vẫn chưa đưa ra được bất kỳ “dấu hiệu thuyết phục nào về cách xoay chuyển tình thế khó khăn hiện tại. “Thế nhưng, Lào cần phải có sự thay đổi lớn trong chính sách kinh tế để tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Tăng cường khai thác tài nguyên trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày một cao không phải là giải pháp lâu dài cho nền kinh tế”, học giả Sims đánh giá.

Theo Khánh Tú (Vietnamfinance.vn)




https://vietnamfinance.vn/tham-vong-cuc-pin-cua-dong-nam-a-lao-chim-trong-cac-khoan-no-ty-usd-20180504224289210.htm