Kinh tế

Thương mại Nga Mỹ tăng mạnh trong trừng phạt

Kim ngạch thương mại Mỹ- Nga tăng bất chấp trừng phạt: Mỹ không muốn mạnh tay?

Thông tấn TASS ngày 3/9 dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, kim ngạch thương mại Nga- Mỹ đã đạt tổng cộng 13,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Thương mại Nga Mỹ tăng mạnh trong trừng phạt
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: TASS

Đại sứ Antonov cho biết thêm, các doanh nhân Mỹ vẫn tăng cường sự quan tâm đến thị trường Nga bất chấp lệnh trừng phạt.  "Kim ngạch thương mại song phương với Mỹ đang tăng dần. Năm 2018, kim ngạch tăng 13% lên 27,5 tỷ USD (so với mức 24 tỷ USD vào năm 2017).

Các tín hiệu tích cực đã duy trì trong năm nay, kim ngạch thương mại đã tăng lên tới 13,8 tỷ USD trong 6 tháng" - ông Antonov cho biết thêm.

Mỹ đã tung nhiều đòn trừng phạt kinh tế trên nhiều lĩnh vực đối với Nga kể từ năm 2014 nhưng "các doanh nhân Mỹ tiếp tục thể hiện ý định sẽ duy trì hoạt động đầu tư của họ tại thị trường Nga", Đại sứ Nga cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng tăng cường sự sẵn sàng tham gia tích cực vào các sự kiện kinh tế quy mô lớn như Diễn đàn kinh tế Quốc tế St. Petersburg vừa qua, hay Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF).

Đại sứ Antonov lưu ý rằng, Nga đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người Mỹ như một điểm đến du lịch. Sự kiện Cúp Bóng đá thế giới FIFA World Cup 2018 là một ví dụ cho thấy điều này.

Năm 2018, nhờ giải đấu mà lượng du khách Mỹ đến Nga tăng đột biến, dù đội tuyển Mỹ không tham gia thi đấu. Lượng du khách Mỹ đến Nga chỉ sau số lượng khách du lịch Trung Quốc.

Đại sứ Mỹ cũng cho rằng, du lịch là điểm nhấn trong quan hệ hai chiều Nga- Mỹ, đặc biệt là dòng chảy du lịch giữa Alaska và Viễn Đông của Nga.

Đại sứ Antonov kêu gọi nối lại các chuyến bay trực tiếp và thường xuyên giữa Alaska và thành phố vùng Viễn Đông Nga. Hiện nay các chuyến bay chỉ hoạt động theo mùa.

Các tín hiệu tích cực trong thương mại Mỹ- Nga cho thấy những hạn chế trong các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington.

Mới đây nhất vào ngày 26/8, Mỹ đã tung lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga, theo đó cấm các tổ chức tài chính quốc tế mở rộng mọi khoản vay, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho Nga, cấm các ngân hàng Mỹ cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài của Nga, hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm và công nghệ sang Nga.

Một số ý kiến cho rằng, những biện pháp trừng phạt này không mạnh như các biện pháp trừng phạt trước đó được Mỹ đưa ra và theo nhiều quan điểm phân tích, lý do khiến Washington đột ngột có thái độ mềm mỏng với Moscow là bởi Mỹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ các lệnh trừng phạt này.

Ông Vladimir Batyuk, một thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, có trụ sở tại Moscow nhận định, Mỹ thực tế cũng cần cứu vãn nền kinh tế của nước này trong bối cảnh đối đầu thương mại Mỹ- Trung.

Mỹ bị chi phối bởi lợi ích của các doanh nghiệp nước này và nhiều doanh nghiệp trong số đó không mặn mà với cuộc chiến trừng phạt Nga. Theo ông, biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nhà sản xuất nhôm Rusal của Nga đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô của Mỹ vì nó khiến cho giá nhôm tăng đột biến.

Trong khi đó, lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga cũng sẽ là đòn giáng mạnh với các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ như Shell.

"Một mặt, Mỹ đang cố gắng thể hiện quyết tâm và sức mạnh của nước này, mặt khác, họ không muốn “tự bắn vào chân mình” - vị chuyên gia chỉ rõ.

Thương mại Nga Mỹ tăng mạnh trong trừng phạt - 1
Bất chấp tuyên bố trừng phạt liên tiếp vào Nga, Mỹ vẫn tăng giao thương, du lịch. Ảnh minh họa: Getty Images

Chuyên gia Vladimir Batyuk khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dường như được thiết kế để giảm thiểu khả năng gây thiệt hại đối với nền kinh tế Nga: vẫn chưa có lệnh cấm xuất khẩu, trong khi đó việc mua trái phiếu chính phủ của Nga tại Mỹ trên thị trường sơ cấp bị cấm nhưng vẫn được cho phép trên thị trường thứ cấp.

Ông Batyuk cho rằng, theo cách cư xử thông thường, Mỹ có thể hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao với Moscow, cấm các chuyến bay của các hãng hàng không quốc doanh Nga, cấm nhập khẩu hàng hóa từ Nga, trong đó có sản phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên Washington có thể sẽ không thực thi những hành động như vậy, đơn giản vì Mỹ không muốn mất vị trí của nước này trên thị trường Nga.

“Nga không phải Triều Tiên nên Mỹ không thể áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay một cách tùy ý. Hơn nữa, những biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ thế chân các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Nga bằng các công ty của nước này. Điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho Mỹ” - vị chuyên gia Nga đánh giá.

Theo Huy Vũ (Báo Đất Việt)