Kinh tế

Xăng giảm: Thủ tướng yêu cầu giảm cước vận tải

Trước tình hình giá xăng giảm sâu, Thủ tướng chính phủ yêu cầu các ban ngành liên quan cân nhắc điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp.

Trước tình hình giá xăng giảm sâu, Thủ tướng chính phủ yêu cầu các ban ngành liên quan cân nhắc điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp.
Giảm giá cước vận tải cho phù hợp

Trong phiên họp chiều ngày 22/1, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp đầu tiên trong năm 2015 của Nhóm phối hợp liên bộ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
 
Tham dự phiên họp có các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Điện lực và Xăng dầu.
 

Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước vận tải trước Tết

 
Thủ tướng yêu cầu trong tuần này, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành họp đưa ra giải pháp để điều hành giảm giá vận tải và phải giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Trước diễn biến tình hình giá xăng dầu trong nước giảm 2 lần sâu liên tiếp, đa số hiện nay doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa kê khai giảm cước. Với trường hợp quá thời hạn mà không giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng.

Theo Bộ Tài chính, cước vận tải hàng không nội địa được điều chỉnh giảm 15% so với mức trần liền kề quy định từ cuối năm 2011.

Với cước vận tải đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ. Trong khi đó, theo báo cáo của 38/63 địa phương, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32% (phổ biến giảm từ 3-10%).

Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%). Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do: đối với các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%.

Đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013, tỷ lệ giảm trên dưới 10%; đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng), tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.

Định hướng điều chỉnh giá bán xăng, dầu và giá điện
 
Về định hướng điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước trên tinh thần so sánh với mặt bằng giá bán lẻ các nước trong khu vực, nhằm chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới; đảm bảo lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Về khai thác dầu thô, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch được giao. Tuy nhiên, PVN cần bám sát tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới để điều hành việc khai thác dầu thô trên nguyên tắc không để lỗ và hạch toán cụ thể đến từng mỏ.

Về giá điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh giá điện theo thị trường. Tuy nhiên, các bộ liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào sau Tết Nguyên đán Ất Mùi.
 
>> Loạn giá xăng vì Bộ trưởng muốn giữ "chữ tín"

Theo Cao Phong (Nguoitieudung.com.vn)