Lối Sống

Hoa sữa - Nét đặc trưng của Hà Nội và nỗi ám ảnh của người bị dị ứng?

“Mùi hoa sữa ngửi ít thì thơm nhưng lúc nào cũng ngửi thấy thì chẳng khác nào cực hình”, đây là chia sẻ của rất nhiều người mỗi khi đến mùa hoa sữa nở rộ.

Hà Nội những ngày này thời tiết dịu nhẹ, không khí trong lành. Những cơn gió se se lạnh ùa về cũng là lúc mùi hoa sữa nồng nàn, da diết ngập tràn trên các tuyến phố của Thủ đô.

Đi dọc trên những tuyến phố lớn như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Du, Quang Trung,… không khó để bắt gặp những hàng cây hoa sữa lớn nhỏ, nối đuôi nhau tạo thành hàng trắng xoá.

Hoa sữa được xem như là một biểu tượng mùa thu của Hà Nội. Nồng nàn và gây nhớ thương. Thế nhưng không phải ai cũng “yêu thương” nổi loài hoa này.

“Cơ quan tôi ở phố Nguyễn Chí Thanh. Thời gian này mỗi lần đi làm với tôi thực sự khốn khổ. Bởi mỗi lần đi qua con đường nồng nàn mùi hoa sữa này là tôi bắt đầu khó thở, nhức đầu vì mùi hương quá nồng nặc.

Có một đoạn đường ngắn thôi mà hôm nào yếu người là tôi chảy cả nước mắt, sống mũi cay cay. Chưa kể những hôm tan tầm tắc đường phải đứng đợi dưới những tán cây hoa sữa, với tôi không khác nào cực hình” - Chị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết trên báo Lao Động.

Hoa sữa - Nét đặc trưng của Hà Nội và nỗi ám ảnh của người bị dị ứng?

Tương tự chị Lan Anh, anh Tiến Đạt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cảm thấy khổ sở vì mùi hoa sữa nồng nặc:

Hồi nhỏ nghe cô Hồng Nhung ca "Hà Nội mùa thu, mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió" thấy lãng mạn quá trời quá đất, chỉ ước được đi Hà Nội vào thu để ngắm hoa sữa. Giờ được trải nghiệm thật lại thấy sợ.

Một bông hoa sữa có thể thơm thật nhưng nhiều bông, nhiều cây khiến tôi muốn tụt huyết áp. Có hôm đeo 2 cái khẩu trang ra ngoài vẫn thấy chóng mặt, buồn nôn.

Phố Nguyễn Khánh Toàn nơi tôi ở trồng rất nhiều cây hoa sữa. Mỗi lần đi làm về tôi chỉ nhanh đóng kín cửa phòng để mùi hoa sữa không bay vào” - anh Đạt chia sẻ.

Thực tế, có rất nhiều người cảm thấy khó về mùi hoa sữa nhất là người có nhà hoặc cơ quan gần cây hoa sữa. Có người đi qua phố có nhiều hoa sữa cảm thấy nhức đầu, khó thở, thậm chí có trường hợp chóng mặt, buồn nôn.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo VietNamNet, TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hoa sữa là nét đặc trưng không thể thiếu của mùa thu Hà Nội. 

Tuy nhiên loài hoa nồng nàn này cũng mang đến một số phiền toái. Một số người khi hít phải phấn hoa sữa xuất hiện tình trạng khó thở, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi thành tràng… Đây chính là tình trạng dị ứng với phấn hoa của cây hoa sữa.

Lý giải lý do ngửi loài hoa này lại có thể gây dị ứng, TS.BS Bùi Văn Khánh cho biết, thực chất, mùi của loài hoa này không phải yếu tố gây dị ứng.

Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, là một loại cây thụ phấn nhờ gió. Bởi vậy, hoa sữa thường mọc ở đầu cành thành các chùm lớn và mang nhiều hạt phấn. Hạt phấn của cây hoa sữa là một chất lạ với cơ thể và gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.

“Phấn hoa sữa mới chính là nguyên nhân gây lên bệnh dị ứng. Khi hít phải các hạt phấn này, tại mũi, họng, mắt của người bệnh sẽ sinh ra các phản ứng viêm, dị ứng gây xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng”, bác sĩ cho biết.

Cũng theo TS.BS Khánh, đa số người bị dị ứng hoa sữa thường gặp các triệu chứng như hắt hơi thành tràng dài, ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nhiều dịch mũi, ngạt mũi… Đây là biểu hiện của viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng theo mùa.

Mặc dù các triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến tính mạng, người bệnh thường gặp nhiều sự khó chịu và ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

Khi số lượng phấn hoa bạn hít phải càng nhiều thì các biểu hiện dị ứng càng trầm trọng hơn. Một số người dị ứng nặng có thể xuất hiện khó thở và cần được can thiệp y tế, đặc biệt ở những người có tiền sử hen phế quản dị ứng.

Hoa sữa - Nét đặc trưng của Hà Nội và nỗi ám ảnh của người bị dị ứng? - 1

Chung quan điểm, VTC News dẫn lời PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn – nguyên Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bản chất hương hoa sữa có mùi rất nồng, nếu ngửi ít sẽ cảm thấy rất dịu, nhưng nếu ngửi nhiều con người lâm tình trạng khó thở, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp. Ngoài ra những sợi lông hoa sữa theo gió hòa lẫn vào không khí, con người hít vào cũng dễ bị dị ứng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Nhóm người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần cẩn trọng. Bởi khi tiếp xúc với hương, phấn và lông hoa sữa những người này nguy cơ bị tái phát bệnh, mẩn ngứa, thậm chí nổi mụn, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng”, bác sĩ Đoàn nói.

Bác sĩ Đoàn cho biết thêm, những người mắc bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm da hay viêm mũi dị ứng cần tránh tiếp xúc nhiều với hương hoa sữa, bởi sẽ làm cho bệnh thêm nặng, dễ tái phát và khó thở. “Nhất là vào thời điểm hoa sữa nở rộ, nhiều người còn lâm tình trạng đau đầu, chóng mặt, khó thở", bác sĩ Đoàn nói.

Những người bị dị ứng phấn hoa sữa cần làm gì để tránh cảm giác khó chịu?

- Hạn chế ra ngoài vào những ngày hoa sữa nở rộ.

- Vào những ngày mật độ phấn hoa cao, bạn phải đóng kín các cửa sổ và hạn chế các hoạt động ngoài trời.

- Đi tắm trước khi ngủ, thay và giặt quần áo sau khi ra ngoài trở về.

- Tích cực hút bụi giường và dọn vệ sinh nhà cửa để giảm thiểu việc phấn hoa bám vào những đồ vật trong nhà.

- Khi đi ra ngoài nên đeo kính râm, che tóc kỹ để tránh phấn hoa dính vào mắt và tóc khiến tình trạng khó chịu thêm trầm trọng.

- Có thể sử dụng máy lọc không khí để giảm các chất gây dị ứng trong nhà.

- Dùng máy sấy để làm khô quần áo, không phơi quần áo trên dây ngoài trời.

- Tránh tiếp xúc với thú cưng được nuôi ngoài trời.

Cuối cùng, nếu phải đi ra ngoài trong thời gian dài, mọi người cần nhớ đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa. Hãy kết hợp với việc uống các thuốc chống dị ứng trước khi ra ngoài theo sự kê đơn của bác sĩ. Lưu ý là bạn cần phải tránh uống thuốc dị ứng gây buồn ngủ nếu làm việc với máy móc hoặc lái xe.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/hoa-sua--net-dac-trung-cua-ha-noi-hay-noi-am-anh-cua-nguoi-bi-di-ung-d192121.html