Lối Sống

Năm 2024 Tết thanh minh rơi vào ngày nào? 10 kiêng kị nên biết khi đi tảo mộ dịp Thanh minh để tốt lành cả năm và tránh xui rủi

Hãy bỏ túi những kiêng kị giúp việc đi tảo mộ tiết Thanh minh cổ truyền được trọn vẹn, may mắn tốt lành hơn, có ý nghĩa hơn...

Tết Thanh minh 2024 vào ngày nào?

Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh 2024 - được coi là Tết Thanh minh sẽ rơi vào thứ Năm, ngày 4/4/2024 dương lịch (tức 26 tháng 2 năm Giáp Thìn).

Tết Thanh minh không phải là ngày lễ được nghỉ với người lao động, nên ngày này người lao động vẫn phải đi làm (nếu có lịch làm việc). 

Tết Thanh minh thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, mang đậm dấu ấn phong tục truyền thống thiêng liêng sâu thẳm trong lòng người Việt, nên những người con xa quê ngày này đều thu xếp công việc về tảo mộ tổ tiên.

Năm 2024 Tết thanh minh rơi vào ngày nào? 10 kiêng kị nên biết khi đi tảo mộ dịp Thanh minh để tốt lành cả năm và tránh xui rủi
Ảnh minh họa

Tết Thanh minh khác tiết Thanh minh thế nào?

Giải thích về Tết Thanh minh và tiết Thanh minh, trao đổi với PV Gia Đình & Xã Hội, chuyên gia phong thủy Hà Thanh cho hay: Tết Thanh Minh không phải là ngày lễ tết lớn trong năm, nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tết Thanh Minh cũng không có ngày cố định thời gian, mà là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, nó có thể rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết Xuân phân).

Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí (theo quan niệm của các nước phương Đông). Tiết Thanh minh trời mát mẻ quang đãng, là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí (bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày). Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày. 

Tiết Thanh minh kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu tiết Cốc Vũ).

Một số người còn nhầm lẫn giữa tạ mộ và Tết Thanh minh, nhân bài viết này xin giải thích như sau:

- Tết Thanh minh thường diễn ra đầu năm, với ý nghĩa quan trọng là con cháu tới thắp hương, tri ân, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Việc chính của tảo mộ là nhổ cỏ, phát quang cây cối, bồi đắp mộ phần (nếu có sụt lún nứt...), quét dọn quang sạch rồi cắm hoa, thắp hương mộ phần. 

Các gia đình nên cho con, cháu nhỏ đi tảo mộ chung. Việc này không chỉ mang mục đích giúp trẻ nắm được vị trí ngôi mộ của gia tiên mà còn học cách viếng mộ, kính trọng tổ tiên.

- Lễ tạ mộ thường vào cuối năm, cũng là dịp con cháu ra mộ phần tổ tiên bồi đắp, sửa chữa mộ phần, mời người thân đã khuất về ăn Tết. Cũng là dịp để con cháu tạ ơn thần linh nơi có mộ phần suốt năm qua đã che chở cho người thân đã mất của mình nương dựa. Những người đi làm ăn xa cũng cố gắng về quê để kịp cùng người thân đi tạ mộ. 

10 kiêng kị nên biết khi đi tảo mộ dịp Thanh minh

1. Sức khỏe không tốt nếu đi tảo mộ tiết Thanh minh cần cẩn thận

Nhiều người đi tảo mộ về đau ốm cả tuần, thậm chí cả tháng trời. Người dân lưu ý là việc tảo mộ, sửa sang mộ phần gia tiên là việc quan trọng cần làm trong Tết Thanh minh, và năm nào cũng có Thanh minh. Vì thế, người hay đau ốm hãy cẩn thận giữ mình, bởi năm nay có thể không đi Thanh minh được thì sang năm, hoặc khi có sức khỏe tốt hãy đi.

Chuyên gia phong thủy Hà Thanh khuyên người dân tự bảo vệ minh theo các cách dân gian như mang theo quả chuối xanh, lá trầu không, củ tỏi… khi đi tảo mộ để tránh nhiễm hơi lạnh ở nghĩa trang. Về nhà cần bước qua chậu lửa có bồ kết - nhằm loại bỏ năng lượng xấu, tránh bị nhiễm hàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Không nên "bóp bụng" chi tiêu để đắp mộ to, sửa mộ tiết Thanh minh

Cũng theo ông Hà Thanh, Thanh minh là dịp tưởng nhớ gia tiên, không nên tính toán "bóp bụng" chi quá nhiều tiền để tu sửa, đắp mộ to, bề thế hơn những mộ xung quanh để "phô trương" với thiên hạ.

Tuyệt đối tránh mê tín bằng cách đốt nhiều vàng mã, cúng bái linh đình ngoài mộ… - bởi Thanh minh đang đầu năm mới không nên làm việc âm phần lớn.

Việc chính đi tảo mộ tiết Thanh minh là phát quang cỏ rậm, nhổ bỏ cỏ dại, đắp bồi thêm đất, trồng thêm hoa tươi, quét dọn xung quanh quang sạch – vừa tỏ lòng kính trọng người đã khuất, vừa tiện xem xét kỹ mộ phần (xem có bị sứt mẻ, rễ cây mọc, chuột rắn đào hang, quanh mộ có nước, hoặc vũng nước sát mộ…) xem có phải tu sửa gì sau đó hay không.

3. Không tùy tiện thời gian đi Thanh minh

Không nên đi tảo mộ khi trời chưa sáng, hoặc lúc chiều tối nhập nhoạng – nhằm tránh những chướng khí, năng lượng xấu có thể tác động xấu đến cơ thể.

Thời gian tảo mộ tốt nhất khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều - là lúc trời quang đãng, dương khí nhiều nhất trong ngày, giúp việc cúng lễ thoải mái hơn.

4. Tránh đi Thanh minh tảo mộ nơi quá vắng vẻ

Chuyên gia phong thủy Song Hà khuyến cáo, đi tảo mộ tiết Thanh minh tránh tới nơi hẻo lánh – vì có thể xảy ra những sự cố nguy hiểm không thể lường trước, hoặc bị nhiễm năng lượng xấu.

Năm 2024 Tết thanh minh rơi vào ngày nào? 10 kiêng kị nên biết khi đi tảo mộ dịp Thanh minh để tốt lành cả năm và tránh xui rủi - 1
Ảnh minh họa

5. Mang ý niệm tốt khi đi Thanh minh

Tết Thanh minh nên mang tâm thành kính, hoan hỉ đi tảo mộ – bởi ý nghĩa quan trọng làm nên Tết Thanh minh chính là sự thành kính, tri ân khi cúng lễ.

Khi dọn sạch cỏ dại, đắp thêm đất, trồng hoa tươi, bày đặt trái cây cần cung kính lễ bái, loại bỏ hết tạp niệm trong lòng.

6. Không giẫm hoặc xâm phạm bia mộ khác

Đi tảo mộ chú ý không được giẫm đạp lên các ngôi mộ, không được ngồi lên bia mộ, nhảy từ mộ nọ sang mộ kia, nhổ bọt vào mộ…. Tuyệt đối tránh dùng chân đưa đẩy đồ cúng lễ, hoặc vứt ném, đá đồ cúng trên phần mộ khác – vì đó là thái độ bất kính với người đã khuất, theo dân gian có thể khiến bản thân, hay người thân có thể gặp xui rủi, không may sau đó.

7. Không chụp ảnh nơi bia mộ

Các nhà tâm linh khuyên không nên tùy tiện chụp ảnh ở nghĩa trang - đặc biệt chụp chung với người lạ. Khi tới nghĩa trang, mộ phần cần có thái độ trang nghiêm, thành kính. Có thể chụp ảnh hoạt động cúng lễ tự nhiên, nhưng tránh dàn hàng ngang chụp ảnh trước mộ - vì theo dân gian có thể gặp xui xẻo.

8. Không cười đùa, mắng chửi, to tiếng khi đi thăm mộ

Nếu có dắt theo trẻ nhỏ chú ý giữ trẻ yên tĩnh trong khu vực mộ phần. Tránh cho trẻ ăn uống, nô đùa chạy nhảy, to tiếng… gây phiền nhiễu cho mọi người xung quanh.

Người lớn tránh cười đùa, to tiếng hay mắng chửi nhau nơi mộ phần - vì như thế bị coi là bất kính với người đã khuất.

9. Cúng xong không nên ăn tại mộ phần

Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, sau khi cúng lễ ở nghĩa trang xong không nên ngả đồ cúng ra ăn ở nghĩa trang – bởi có thể bị lạnh bụng, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.

Tốt nhất cúng Thanh minh ngoài nghĩa trang xong thì đến nơi khác ăn uống vui vẻ. Hoặc về nhà tẩy uế xong (bước qua đống lửa, hoặc đốt nắm quả bồ kết bước qua 3 lần, rửa ráy chân tay sạch sẽ…) rồi hãy cùng nhau ăn uống.

10. Không tiện đường tới thăm nhà khác

Đi Thanh minh về không nên tiện đường thăm hỏi bạn bè, người thân vì khí lạnh có thể bám theo vào nhà người đó, ảnh hưởng tới người trong ngôi nhà đó – nhất là trẻ con.

Nếu muốn qua tới thăm hỏi nhau thì nên đến trước khi ra mộ phần.

NT (SHTT)

 




https://sohuutritue.net.vn/nam-2024-tet-thanh-minh-roi-vao-ngay-nao-10-kieng-ki-nen-biet-khi-di-tao-mo-dip-thanh-minh-de-tot-lanh-ca-nam-va-tranh-xui-rui-d212354.html