Lối Sống

Tuổi già bỏ phố về quê, tôi vô tư 'khoe' 2 điều với hàng xóm rồi nhận ra: Đúng là 'cái miệng hại cái thân'

Ông cụ Trung Quốc sau khi về quê đã khoe 2 “thứ” với người thân, bạn bè mà không biết rằng điều này sẽ gây tổn hại đến gia đình mình.

*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Đại Hải được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).

Tôi sinh năm 1960, ở một vùng nông thôn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Lớn lên, việc tôi đậu vào một trường đại học ở thành phố có lẽ là một trong những bước ngoặt lớn nhất cuộc đời. Bởi trước đó, tôi chưa từng rời khỏi ngôi làng nhỏ của mình. Không những thế, cuộc sống ở đây cũng khiến thế giới quan của tôi được rộng mở hơn. Sau khi ra trường, tôi lập gia đình và làm việc trong ngành giáo dục.

Cuộc sống của vợ chồng tôi không quá dư giả nhưng cũng khá đủ đầy. Tuy nhiên sau khi lo liệu cho 2 người con trai lấy vợ và sửa lại ngôi nhà cũ của tổ tiên ở quê, tài chính của chúng tôi trở nên khá eo hẹp. Với khoản lương hưu 7.000 NDT/hàng tháng (hơn 24 triệu đồng) của cả 2 vợ chồng, chúng tôi có tiết kiệm được một ít nhưng không thoải mái chi tiêu ở thành phố. Vì vậy, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, 3 năm trước, vợ chồng tôi quyết định cho thuê căn nhà đang ở và thu dọn hành lý để về quê dưỡng già cho kinh tế.

Tuổi già bỏ phố về quê, tôi vô tư 'khoe' 2 điều với hàng xóm rồi nhận ra: Đúng là 'cái miệng hại cái thân'

Ở quê, chúng tôi xây một ngôi nhà khang trang trên mảnh đất tổ tiên. Trong bữa tiệc tân gia, hàng xóm, họ hàng, bạn bè đều đến nhà chúc mừng. Trong lúc say, tôi không kiểm soát được lời nói của mình nên đã khoe khoang khá nhiều điều. Để rồi những tháng ngày sau đó, vợ chồng tôi liên tục gặp những tình huống khó xử. Chỉ 2 năm sau khi bỏ phố về quê, chúng tôi lại phải thu dọn hành lý về lại thành phố để “chạy trốn” khỏi những rắc rối từ họ hàng, làng xóm. Đây cũng là bài học tuổi xế chiều mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên nổi.

Lúc đó, trong cơn say, tôi vô tình tiết lộ số tiền lớn đã bỏ ra để xây căn nhà mới và sửa sang lại căn nhà của tổ tiên. Không những thế, trước những lời tán thưởng, xuýt xoa của mọi người, tôi không ngần ngại mà kể ra hết những tài sản mình đang có như ngôi nhà mặt tiền ở thành phố, số tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng hay cả những món quà mà con cái từng tặng mình. Trên thực tế, khối tài sản của vợ chồng tôi cũng chẳng có gì đồ sộ, thế nhưng dưới con mắt của những người hàng xóm ở quê, cuộc sống đủ đầy của vợ chồng tôi chính là điều họ luôn mong ước.

Chưa hết, tôi còn tâm sự chuyện cuộc sống, chuyện công việc, chuyện con trai làm việc tại một bệnh viện lớn ở thành phố. Dù không có thành tựu nào quá vẻ vang, song tôi cũng rất tự hào khi có những đứa con thành đạt, giỏi giang như thế. Nghe tôi kể, ai nấy đều khen ngợi và xin số điện thoại của con trai tôi. Khi đó, tôi lại không lường trước được rằng sự khoe khoang này của bản thân lại có thể mang lại nhiều rắc rối cho mình và gia đình.

Cụ thể không lâu sau đó, họ hàng và hàng xóm thỉnh thoảng có đến tìm 2 vợ chồng tôi mượn tiền. Người thì bảo cần vốn làm ăn, người thì cần tiền gấp để đi khám bệnh, sắm sửa nhà cửa. Ban đầu, tôi thấy đây là chuyện bình thường, thể hiện tinh thần “tình làng nghĩa xóm” nên vẫn cho mọi người vay, không quên bảo bao giờ có thì trả, không vội.

Tuy nhiên cũng vì sự dễ dãi của mình, số lượng người tìm đến tôi để vay tiền càng nhiều hơn khiến tôi vô cùng hoang mang. Trước tình hình này, vợ chồng tôi bàn nhau hạn chế việc cho hàng xóm vay tiền, thế nhưng mỗi khi lời từ chối được đưa ra, chúng tôi lại nhận về thái độ bất mãn của họ.

Tuổi già bỏ phố về quê, tôi vô tư 'khoe' 2 điều với hàng xóm rồi nhận ra: Đúng là 'cái miệng hại cái thân' - 1

Không chỉ chuyện tiền bạc, họ hàng gần xa ở quê cũng tìm đến tôi để nhờ con trai tôi giúp đỡ chuyện khám bệnh ở thành phố. Đây vốn là chuyện nên làm, tuy nhiên nó lại vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống của con trai tôi rất nhiều.

Theo lời con trai, những người này không chỉ nhờ tư vấn chuyện khám chữa bệnh mà còn nhờ lo cả chuyện ăn, chuyện ở khi lên thành phố thăm khám. Hơn nữa trong bệnh viện, nó cũng chỉ là một bác sĩ bình thường nên chuyện tác động cấp trên để xin cho người quen thăm khám trước cũng không ổn. Có những tình huống “giúp cũng không được, không giúp cũng chẳng sao” khiến con tôi rất khó xử. Cuối cùng, nó phải thay đổi số điện thoại để kết thúc chuyện nhờ vả này.

Nhưng cũng từ đây, thỉnh thoảng tôi lại nghe những tin đồn không hay hoặc vô tình nghe được những lời nói xấu, chê bai vợ chồng tôi “giàu mà keo kiệt”, con trai tôi không nhiệt tình với họ hàng. Những điều tiếng này khiến chúng tôi khá buồn phiền và mệt mỏi nhưng không có cách nào để giải quyết. Sau gần 2 năm sống ở quê với các mối quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng”, vợ chồng tôi quyết định về lại thành phố để cuộc sống thoải mái hơn.

Có lẽ, tôi đã phạm một sai lầm to lớn. Bởi tiền bạc, thành tích hay các mối quan hệ không phải là thứ để đem ra trưng bày, khoe mẽ cho mọi người thấy. Nó sẽ thu hút ánh mắt dòm ngó, sự so sánh, thậm chí là sự ganh ghét và đố kỵ của mọi người. Từ đó có thể gây ra những phiền phức không đáng có và khó đảm bảo được an toàn cho bản thân.

Ở tuổi xế chiều, tôi vẫn cần học cách kiềm chế, khiêm tốn. Thay vì khoe khoang những điều mình đang có, tôi phải học cách thu xếp ổn thỏa cuộc sống về già, quản lý tốt mối quan hệ giữa con cái và gia đình. Có như vậy, cuộc sống những tháng ngày về sau mới có thể thuận buồm xuôi gió.

Theo Ánh Lê (Phụ Nữ Số)




https://phunuso.baophunuthudo.vn/tuoi-gia-bo-pho-ve-que-toi-vo-tu-khoe-2-dieu-voi-hang-xom-roi-nhan-ra-dung-la-cai-mieng-hai-cai-than-193240127201945018.htm