Pháp luật

Ai phải "đổ vỏ ốc" cho vụ chủ quán cà phê “Xin Chào” bị truy tố?

Hiện chủ quán cà phê “Xin Chào” đã được trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Dư luận đang quan tâm việc ông tiến hành kiện đòi bồi thường như thế nào?

Hiện chủ quán cà phê “Xin Chào” đã được trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Dư luận đang quan tâm việc ông tiến hành kiện đòi bồi thường như thế nào?


Ông Tấn sẽ phải thực hiện những bước kế tiếp để kết thúc cơn "sóng gió" của mình


Những người liên quan đến việc thực hiện tố tụng, thụ lý điều tra, kiểm sát đã bị tạm đình chỉ công tác gồm đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh; ông Lê Thanh Tòng - Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh và ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh.

Đó chỉ là những cái tên ban đầu được xác định rõ trong vụ việc đang gây “bão dư luận” và kết quả cuối cùng còn phải chờ cơ quan chức năng xác định theo kết luận rõ ràng sự việc. Song, giờ đây đối với những người quan tâm về nó là những cơ quan nào sẽ phải có trách nhiệm “đổ vỏ ốc” cho vụ việc cùa ông Tấn và ông Tấn sẽ làm gì để kiện đòi bồi thường cho những mất mát ông đã gánh lấy.

Trao đổi với PV, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Quốc Tuấn cho biết quan điểm của ông rằng, trong trường hợp của chủ quán cà phê “Xin Chào” Nguyễn Văn Tấn sẽ có hai vấn đề cần bàn. Đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và quyết định hành chính mà ông Tấn đã bị phạt tiền là 17 triệu.

Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng

Theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự (BLDS) 2005, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để từng bước cụ thể hóa việc giải quyết loại trách nhiệm nhà nước bồi thường thiệt hại do hoạt động của cơ quan và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra cho ông Nguyễn Văn Tấn.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng VPLS Quốc Tuấn


Luật Dân sự năm 2005 quy định tại Điều 620: Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, quy định:

"Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm."

Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người của các cơ quan nói trên có quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bao gồm: Điều tra viên của cơ quan điều tra, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát, Thẩm phán của Tòa án.

Khi những người nói trên thực hiện nhiệm vụ của mình mà gây ra thiệt hại cho người khác thì cơ quan sử dụng, quản lí họ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau khi bồi thường, cơ quan đó có trách nhiệm yêu cầu người gây thiệt hại hoàn lại khoản tiền theo mức và phương thức do thủ trưởng cơ quan của người đó quyết định trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả bồi thường nếu người gây ra thiệt hại có lỗi.

Như vậy cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp của ông Tấn là Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, nơi có quyết định phê chuẩn lệnh khởi tố của Trưởng công an huyện Bình Chánh.

Ai phải hoàn 17 triệu đồng?

Về trách nhiệm hình sự của ông Tấn đã rõ, nếu cơ quan ra Quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp của ông trước đây mà cụ thể là UBND huyện Bình Chánh hủy quyết định hành chính đã phạt ông và hoàn trả lại tiền ông đã nộp thì mọi việc ổn thỏa. Tuy nhiên khi chưa thực hiện thì ông Tấn có quyền khởi khiện quyết định Hành Chính ra Tòa án huyện Bình Chánh về quyết định xử phạt hành chính trái quy định của pháp luật.

Buộc Chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh hủy bỏ quyết định trên và hoàn trả lại số tiền mà ông Tấn đã nộp phạt là 17 triệu đồng. Kèm các chứng cứ chứng minh như cho việc khởi kiện trên (các quyết định của Viện KSND huyện Bình Chánh...)

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009

Điều 31. Trách nhiệm bồi thường của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự

“Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra có thẩm quyền nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;

2. Đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

3. Toà án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

4. Đã có quyết định truy tố bị can nhưng Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

5. Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

6. Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và sau đó Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

Điều 34. Hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

1. Khi nhận được bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định sau đây:

a) Người bị thiệt hại do quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 30 của Luật này gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can.

b) Người bị thiệt hại do quyết định của Viện kiểm sát quy định tại Điều 31 của Luật này gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Viện kiểm sát đã ra quyết định đó;

c) Người bị thiệt hại do bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Toà án đã ra bản án, quyết định đó.

2. Đơn yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại khoản 1

Điều này có các nội dung chính sau đây:

a) Họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại;

b) Lý do yêu cầu bồi thường;

c) Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

3. Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có bản án, quyết định xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.”

>> Những phát ngôn "đốt nóng" vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào
>> Phục hồi danh dự cho chủ quán cà phê Xin Chào

Theo Khôi Nguyên (Nguoiduatin.vn)