Pháp luật

Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng huy động trái phép hàng ngàn tỷ

Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị truy tố Diệp Dũng và 8 người khác.

Cụ thể, bị can Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (tức Saigon Co.op) cùng Võ Thành Trung (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (là Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Á) bị đề nghị truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Công an TP.HCM đề nghị truy tố 6 bị can khác gồm: Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc tài chính, Ủy viên HĐQT Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (nguyên Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Saigon Co.op), Trần Trung Liệt (nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op), Hàng Thanh Dân (Ủy viên HĐQT Saigon Co.op), Phạm Thị Minh Ngọc (Trưởng Ban kiểm toán nội bộ Saigon Co.op) và Nguyễn Thị Thùy Trang (Trưởng Ban kiểm soát Saigon Co.op) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng huy động trái phép hàng ngàn tỷ
Ông Diệp Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Ảnh: T.L

Trước đó, Viện KSND TP.HCM đã có quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Công an TP.HCM điều tra bổ sung 5 nội dung liên quan đến vụ án. Thanh tra Thành phố phát hiện vụ việc sau đó chuyển hồ sơ sang Cơ quan ANĐT.

Công an xác định, từ năm 1999 - 1/2020, Saigon Co.op có 9 lần tăng vốn điều lệ. Trong đó có lần thứ 9, vốn tích luỹ của Saigon Co.op tính đến năm 2019 là gần 3.200 tỷ đồng; nhưng đầu năm 2020 Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ lên gần 6.597 tỷ đồng, tương ứng 53%.

Đây là khoản tiền, ông Diệp Dũng, đại diện Saigon Co.op đã kêu gọi các nhà đầu tư đặt cọc cho thương vụ mua chuỗi Big C Việt Nam, mà  Saigon Co.op được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương.

Những lần tăng vốn điều lệ đó, ông Diệp Dũng với tư cách là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã chỉ đạo, huy động vốn trái pháp luật và không thông qua Hội đồng quản trị (HĐQT).

Ngoài ra, tháng 8/2016 ông Diệp Dũng không thông qua HĐQT, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Địa ốc Đại Á với mức 300 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới với mức 700 tỷ đồng.

Khi đó, ông Diệp Dũng ký uỷ nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng của Saigon Co.op dùng huy động vốn, sang 1 tài khoản ngân hàng khác của Saigon Co.op, rồi ký uỷ nhiệm chi để lần lượt chuyển hết 1.000 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp.

Theo hợp đồng các bên ký kết, Saigon Co.op được lợi nhuận 7%/năm. Các bên đã có 4 lần ký phụ lục hợp đồng, gia hạn hợp tác.

Ông Diệp Dũng cũng không thông qua HĐQT, tự ý ký phụ lục bổ sung với Công ty CP Địa ốc Đại Á và Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7% xuống 0%/năm.

Cơ quan xác định, hành vi lạm quyền của ông Diệp Dũng trong thương vụ hợp tác 1.000 tỷ đồng nói trên đã  thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,7 tỷ đồng. Các bị can Võ Thành Trung (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (là Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Á) có vai trò đồng phạm, giúp sức.

6 bị can là cán bộ, lãnh đạo các phòng ban của Saigon Co.op bị cho là không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, giám sát, để ông Diệp Dũng lạm quyền, gây ra thiệt hại như đề cập.

Hơn 3.000 tỷ đồng đổ vào thương vụ của Saigon Co.op, từ đâu ra?

Được biết, một trong các nội dung mà trước đây yêu cầu điều tra bổ sung, là về nguồn gốc của hơn 3.000 tỷ đồng đổ vào Saigon Co.op do ông Diệp Dũng lạm quyền, tự ý huy động vốn trái phép.

Khi điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.HCM đã thu thập, hồ sơ tài liệu, xác minh, ghi lời khai 41/56 người đại diện pháp luật của các công ty, cá nhân tham gia góp vốn vào Saigon Co.op năm 2016. Số người còn lại không có mặt tại địa phương hoặc có địa chỉ cư trú ở các tỉnh thành khác nên chưa tiến hành xác minh, ghi lời khai được.

Cơ quan An ninh điều tra xác định rõ, số tiền 3.000 tỷ đồng mà 56 công ty tham gia góp vốn vào Saigon Co.op trong lần huy động vốn lần 1 có nguồn gốc từ 6 doanh nghiệp gồm: Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina (1.000 tỷ đồng), Công ty CP Khu Du lịch Bắc Mỹ An (800 tỷ đồng), Công ty Thùy Dương Đức Bình (750 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Anh Anh Minh (150 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Phước Hùng Anh (150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới (150 tỷ đồng).

Về nguồn gốc tiền, theo Cơ quan ANĐT, Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty Thùy Dương Đức Bình đã sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư ký kết với các doanh nghiệp khác, để làm tài sản thế chấp vay tiền từ ngân hàng. 4 công ty còn lại không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng hợp tác để làm tài sản thế chấp vay tiền do không tìm được hồ sơ, tài liệu.

Liên quan đến vụ án này, cuối năm 2022, Công ty CP Địa ốc Đại Á tự nguyện giao nộp 1,5 tỉ đồng đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Tôn Thất Hào và Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới tự nguyện giao nộp 3,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Võ Thành Trung.

Được biết, vụ án trên đang thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mới đây, ông Diệp Dũng lãnh án 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. 2 đồng phạm là Nguyễn Hoài Bắc (37 tuổi, cựu cán bộ công tác tại Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM) 5 năm tù; bị cáo Lê Thị Phương Hồng (42 tuổi, kinh doanh tự do) 6 năm tù cùng về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Theo Đàm Đệ (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-hdqt-saigon-co-op-diep-dung-huy-dong-trai-phep-hang-ngan-ty-2130369.html