Pháp luật

Cựu tư lệnh Cảnh sát biển nói lời sau cùng: Toà án lương tâm đã tuyên

Được nói lời sau cùng, cựu trung tướng, cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn thừa nhận tội danh với vai trò chủ mưu, khởi xướng, "trong phút không giữ được mình mà mắc sai lầm"

Chiều 28-6, Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự thủ đô đã cho bị cáo cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu tư lệnh Cảnh sát biển, cùng 6 cựu sĩ quan khác được nói lời sau cùng, trước khi vào nghị án.

Cựu tư lệnh Cảnh sát biển nói lời sau cùng: Toà án lương tâm đã tuyên
Cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn tại phiên toà. Ảnh: TTXVN

Trước bục khai báo, cựu trung tướng, cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn thừa nhận tội danh với vai trò chủ mưu, khởi xướng, "trong phút không giữ được mình mà mắc sai lầm". Qua đó, bị cáo gửi lời xin lỗi trước Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Quân ủy trung ương, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát biển.

"Bị cáo thấy có lỗi với nhân dân, với quê hương và dòng họ; sai phạm của bị cáo làm mất rất nhiều thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời liên lụy tới người khác. Dù tòa chưa tuyên nhưng tòa án lương tâm đã tuyên, bản thân bị cáo sẽ không bao giờ tha thứ cho sai lầm này"- cựu tư lệnh Nguyễn Văn Sơn nói và xin tòa giảm nhẹ cho các bị cáo khác trong vụ án, bởi họ vì mình mà bị liên lụy.

Theo cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn, thời gian 40 năm phục vụ quân ngũ, hiện mang nhiều bệnh, mong tòa xem xét giảm nhẹ để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Bị cáo xin hứa sẽ cải tạo thật tốt đối với bản án mà tòa tuyên.

Cựu trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu chính ủy Cảnh sát biển, cũng cho biết bản thân bị cáo "ân hận vô cùng" vì trong 42 năm công tác sắp về hưu còn bị xử lý hình sự. Bị cáo cảm thấy đau lòng vì lỗi lầm gây ra và mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để về với gia đình, xã hội.

Cựu thiếu tướng Bùi Trung Dũng, cựu phó tư lệnh Cảnh sát biển, cũng gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và lực lượng cảnh sát biển. Bị cáo nói đã có hơn 44 năm quân ngũ, là thế hệ thứ 2 trong gia đình phục vụ trong quân đội. Con trai bị cáo là thế hệ thứ 3, nhưng khi bị cáo bị bắt đã xin ra khỏi ngành.

Theo bị cáo Dũng, đây là lần đầu tiên mắc sai phạm, tổn thất với gia đình, dòng họ từ vụ án rất lớn. Cựu thiếu tướng mong hội đồng xét xử vận dụng các chính sách pháp luật để cho mình được hưởng lượng khoan hồng.

Tương tự, cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Doãn Bảo Quyết bày tỏ sai phạm của mình làm ảnh hưởng đến danh dự, truyền thống lực lượng quân đội và nhiều cơ quan khác. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới các cán bộ lão thành, những người đặt "viên gạch" đầu tiên cho lực lượng cảnh sát biển, xin lỗi quê hương, bạn bè, gia đình.

"Suốt hơn 40 năm công tác, bị cáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa bao giờ vi phạm pháp luật, đây là lần đầu và duy nhất mắc sai lầm, đã tự nguyện nộp lại số tiền để khắc phục hậu quả, mong hội đồng xét xử xem xét"- bị cáo Quyết nói.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo trong vụ án đều tỏ thái độ ăn năn, hối hận, gửi lời xin lỗi đến Đảng và Nhà nước, quân đội, lực lượng Cảnh sát biển. Qua đó, các bị cáo mong được hội đồng xét xử xem xét hưởng khoan hồng.

Trước đó, trong bản luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn từ 16 năm đến 16 năm 6 tháng tù về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh, bị cáo Hoàng Văn Đồng bị đề nghị mức án từ 15 năm 6 tháng đến 16 năm tù; các bị cáo Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng cùng bị đề nghị mức án từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu cục trưởng Cục Kỹ thuật, bị đề nghị tuyên phạt từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù; Bùi Văn Hòe cựu thượng tá, cựu phó phòng tài chính, từ 12 năm đến 12 năm 6 tháng tù.

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/phap-luat/cuu-tu-lenh-canh-sat-bien-noi-loi-sau-cung-toa-an-luong-tam-da-tuyen-20230628185951536.htm