Pháp luật

Hai vụ vỡ hụi ở Phan Thiết lên đến hàng chục tỷ đồng

Ngày 28/10, Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) thông tin, trên địa bàn thành phố Phan Thiết liên tiếp xảy ra các vụ vỡ hụi với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 18/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phan Thiết tiếp nhận xác minh ban đầu đối với đơn tố giác của công dân, tố cáo vợ chồng N.Đ.T.L (SN1994 và H.T.T.V (SN 1996 cùng trú tại Khu phố 8, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về hành vi Chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi.

Vợ chồng L và V giữ vai trò chủ hụi, đứng ra tổ chức chơi hụi thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook, hình thức chơi hụi theo ngày, tuần và tháng với số tiền giao động từ 500.000 đồng/ngày đến 50.000.000 đồng/ngày. Đường dây này thu hút khoảng 500 hội viên tham gia chơi hụi và đã hoạt động được khoảng 3 năm.

Đến ngày 17/10, chị V thông báo qua trang Zalo và Facebook cá nhân của mình là hụi đã bị vỡ, mất khả năng chi trả.

Hai vụ vỡ hụi ở Phan Thiết lên đến hàng chục tỷ đồng
Cơ quan công an truy tìm vợ chồng L. V

Ngay sau đó, các hội viên tìm đến nhà vợ chồng chị V để lấy tiền hụi nhưng không gặp, các hội viên liên lạc qua điện thoại và mạng xã hội Zalo và Facebook nhưng không liên lạc được. Hiện có thông tin cho rằng vợ chồng anh N.Đ.T.L, chị H.T.T.V cùng hai người con đã sang Mỹ định cư từ ngày 18/10.

Theo cơ quan công an, hiện đã có 91 công dân thường trú tại địa bàn TP Phan Thiết và các huyện, thị xã đến Cơ quan điều tra - Công an TP Phan Thiết tố cáo vợ chồng anh N.Đ.T.L, chị H.T.T.V có hành vi Chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 19 tỷ đồng.

Một vụ vỡ hụi khác, ngày 25/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phan Thiết tiếp nhận xác minh ban đầu đối với đơn tố giác của công dân, tố cáo vợ bà N.T.L.C (SN 1991, trú tại Khu phố 7, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về hành vi Chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi.

Bà N.T.L.C giữ vai trò chủ hụi, đứng ra tổ chức chơi hụi thông qua mạng xã hội zalo và Facebook, hình thức chơi hụi theo ngày, tuần và tháng với số tiền dao động từ 500.000 đồng/ngày đến 50.000.000 đồng/ngày.

Đến ngày 25/10/2023, bà N.T.L.C thông báo qua trang Zalo và Facebook cá nhân của mình là hụi đã bị vỡ, mất khả năng chi trả. Các hội viên tìm đến nhà bà C để lấy tiền hụi, nhưng không gặp và không thể liên lạc với người này qua điện thoại và mạng xã hội Zalo và Facebook. Thống kê cho thấy, đã có 46 công dân thường trú tại địa bàn TP Phan Thiết và các huyện, thị xã đến Cơ quan điều tra Công an TP Phan Thiết tố cáo bà N.T.L.C có hành vi chiếm đoạt tài sản với số tiền là 17,4 tỷ đồng.

Từ hai vụ việc trên, Công an TP Phan Thiết cho rằng, hoạt động chơi hụi không nằm trong quy định cấm của pháp luật nhưng luôn tiềm ẩn rui ro cho người tham gia.

Do đó, người dân cần nhận diện rõ rủi ro khi tham gia hụi và nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng và đồng lãi cao với việc tham hụi để chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, qua hai vụ việc điển hình trên cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn.

Nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia.

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu quy định về hụi: tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức là 1,6%/tháng), nắm rõ về điều kiện của chủ hụi, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ hụi, thành viên góp hụi quy định tại Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ. Tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi để có thể đặt niềm tin khi góp hụi.

Đồng thời, tìm hiểu về hoạt động của dây hụi định tham gia, có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi, điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi. Từ đó, đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có.

Cần lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi; nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu trở lên thì phải báo cho UBND phường, xã, thị trấn biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm.

Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi thì cần báo cho chính quyền địa phương để có hình thức nắm, giải quyết kịp thời.

Nếu chủ hụi vi phạm quy định về hụi, như không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ hụi đối với thành viên thì bị phạt từ 2 - 05 triệu đồng, không thông báo cho UBND cấp xã theo quy định thì phạt từ 5 - 10 triệu đồng, lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, huy động vốn trái pháp luật thì có thể xử phạt 10 - 20 triệu đồng.

Nếu vi phạm về hình sự thì liên quan đến lãi suất, chiếm đoạt tài sản thì phải xem xét xử lý về các hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ Luật Hình sự, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm, tù chung thân đối với các vụ chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng.

Đồng thời, cảnh báo những người tổ chức góp vốn cần tuân thủ các quy định pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hai-vu-vo-hui-o-phan-thiet-len-den-hang-chuc-ty-dong-1915965.html