Kiên chỉ được mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu chứ không được thu tiền, nhưng Kiên đã thu của hơn 100 nhà đầu tư số tiền khoảng 300 tỉ đồng rồi xuất cảnh ra nước ngoài.
Kiên chỉ được mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu chứ không được thu tiền, nhưng Kiên đã thu của hơn 100 nhà đầu tư số tiền khoảng 300 tỉ đồng rồi xuất cảnh ra nước ngoài.

Hình minh họa

 
Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội, vừa có quyết định phục hồi điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức huy động tiền của các nhà đầu tư để thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Lilama (Lilama Land); quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Lê Trung Kiên (43 tuổi, trú tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội (HanoiLand) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ra lệnh tạm giam đối với bị can này. Các quyết định và lệnh trên đã được viện KSND TP Hà Nội phê chuẩn.
 
Trước đó, năm 2009, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Trung Kiên để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do bị can đi khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, chờ khi bắt được sẽ xử lý.
 
Đến ngày 17-7-2015, Cục cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an, đã bắt giữ bị can này khi vừa xuống máy bay tại sân bay Quốc tế Nội Bài.
 
Vào năm 2007, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang “nóng”, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) có ý định thành lập một công ty chuyên đầu tư bất động sản với tên gọi Lilama Land. Thời điểm này, Hanoi Land đã tuyên bố sẽ “bắt tay” với Lilama để thành lập Lilama Land và kêu gọi mua cổ phiếu của Lilama Land thông qua Hanoi Land.
 
Lê Trung Kiên đã sử dụng thư mời và đề án thành lập Lilama Land do ông Phạm Hùng, Tổng Giám đốc Lilama, ký để giới thiệu với nhiều người về tương lai của công ty này.
 
Theo đó, mọi người nếu muốn mua cổ phiếu của Lilama Land (khi đó chưa có quyết định thành lập) thì có thể nộp tiền vào Hanoi Land. Khi có quyết định thành lập, Kiên sẽ chuyển tiền vào Lilama Land. Đáng chú ý, theo thư mời thì Kiên chỉ được phép mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu chứ không được phép thu tiền. Việc Kiên thu tiền của các nhà đầu tư đã từng bị Lilama nhắc nhở nhưng Kiên vẫn thực hiện.
 
Nhiều nạn nhân đã nộp tiền cho Lê Trung Kiên với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, đến khi Lilama Land có quyết định thành lập và được cấp phép kinh doanh, Hanoi Land không phải là cổ đông sáng lập nhưng Lê Trung Kiên vẫn giới thiệu với nhiều nhà đầu tư là cổ đông sáng lập để thu tiền.
 
Số tiền thu được, Lê Trung Kiên không chuyển về Lilama Land, cũng không trả lại cho các nhà đầu tư. Sau đó một thời gian, Kiên thanh toán nhỏ giọt cho một số nhà đầu tư số tiền vài trăm triệu đồng.
 
Đến tháng 9-2008, Kiên xuất cảnh ra nước ngoài và Hanoi Land cũng ngừng hoạt động. Đến lúc này, các nhà đầu tư mới biết bị lừa và làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
 
Đến khi Lê Trung Kiên bị bắt, cơ quan điều tra xác định vào thời điểm năm 2007, bị can này có cùng lãnh đạo Lilama bàn bạc liên kết thành lập Lilama Land. Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, Kiên đã thu của hơn 100 nhà đầu tư số tiền khoảng 300 tỉ đồng dưới chiêu bài mua cổ phiếu của Lilama Land. Tuy nhiên, sau khi thu tiền, Kiên đã sử dụng vào các mục đích cá nhân.
 
Theo M.Quang (Tuổi Trẻ)