Pháp luật

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ phủ nhận lời khai trước đó

Tại phiên toà, bà Trương Mỹ Lan nói những lời khai tại cơ quan điều tra về số cổ phần tại Ngân hàng SCB là không chính xác.

Sáng 11/3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên xử bước vào ngày làm việc thứ 5. HĐXX sẽ xét hỏi đối với hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ phủ nhận lời khai trước đó
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa

Bị cáo Trương Mỹ Lan được HĐXX xét hỏi đầu tiên trong sáng 11/3. Đầu tiên, Viện Kiểm sát công bố cao trạng chỉ ra rằng tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối số cổ phần chiếm tới trên 91,5% vốn điều lệ của Ngân hàng SCB.

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết đã nghe rõ cáo trạng mà Viện Kiểm sát công bố tại phiên tòa, giống với cáo trạng mà bị cáo đã nhận.

Trong phần trình bày, Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân bị cáo chỉ nắm 4,9% cổ phần tại SCB. Thêm 2 con gái thì dưới 15%. Bạn bè nước ngoài khoảng 30%, bạn bè trong nước trên 30%.

Bị cáo Lan cho biết những người đứng tên là những người không có việc làm, bạn bè nhờ đứng tên. Về 30% cổ phần nước ngoài, bị cáo này cho biết đây là những người giúp ngân hàng SCB, bản thân bị cáo năn nỉ họ vào.

Trả lời HĐXX về việc tất cả lời khai tại cơ quan điều tra đúng không? Tuy nhiên, bị cáo Lan cho rằng những lời khai về cổ phần là không chính xác.

Chủ tọa nói, tất cả lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan đều có luật sư tham gia, bản thân bị cáo đã ký vào các biên bản lấy lời khai: "Tôi đã đọc và đồng ý ký tên".

Theo cáo trạng Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống Công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng tư nhân. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018. Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp. Trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.

Cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của mình.

Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ...; tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các Công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.

Tổng hợp

PTH (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vu-an-van-thinh-phat-ba-truong-my-lan-bat-ngo-phu-nhan-loi-khai-truoc-do-d210928.html