Thế giới

Ảnh Trump theo dõi cuộc đột kích thủ lĩnh IS gây tranh cãi

Bức ảnh Trump giám sát cuộc tấn công thủ lĩnh IS được cho là có nhiều khác biệt với ảnh Obama theo dõi vụ đột kích Bin Laden.

Nhà Trắng hôm qua công bố bức ảnh cho thấy Tổng thống Donald Trump hôm 26/10 cùng các cố vấn cấp cao của mình ngồi tại Phòng Tình huống để theo dõi vụ đặc nhiệm Mỹ đột kích tiêu diệt thủ lĩnh tối cao Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi.

Ảnh Trump theo dõi cuộc đột kích thủ lĩnh IS gây tranh cãi
Tổng thống Trump (thứ ba từ trái) cùng các quan chức trong Phòng Tình huống ở Nhà Trắng hôm 27/10. Ảnh: Twitter/Dan Scavino.

Bức ảnh này ngay lập tức bị so sánh với bức ảnh nổi tiếng chụp tổng thống Barack Obama cùng các quan chức trong chính quyền ông theo dõi vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011, do cựu giám đốc Văn phòng Nhiếp ảnh Nhà Trắng Pete Souza chụp.

Một số nhà phê bình nhận xét trong bức ảnh của Trump, Tổng thống ngồi ở trung tâm, mọi người xung quanh đều mặc trang phục chỉnh tề, thắt cà vạt và nhìn vào máy ảnh. Trên bàn là những đoạn dây cáp dường như không kết nối với bất cứ thứ gì. 

Ngược lại, Obama trong ảnh không ngồi ở đầu bàn và hầu hết quan chức xung quanh, bao gồm cựu phó tổng thống Joe Biden, đều không mặc áo vest hoặc đeo cà vạt. Không ai nhìn vào máy ảnh và gây cảm giác căng thẳng. Những khác biệt này khiến nhiều người nghi ngờ bức ảnh trong Phòng Tình huống của Trump dường như đã được dàn dựng. 

Ảnh Trump theo dõi cuộc đột kích thủ lĩnh IS gây tranh cãi - 1
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ hai từ trái sang) cùng các quan chức theo dõi vụ đột kích Osama bin Laden năm 2011. Ảnh: White House.

Nhiếp ảnh gia Souza ban đầu cũng tỏ ý nghi ngờ độ chân thực của bức ảnh. "Theo báo cáo, cuộc đột kích diễn ra lúc 15h30 giờ Washington. Nhưng theo dữ liệu quản lý hình ảnh trong camera, bức ảnh được chụp lúc 17h05", Souza bình luận bên dưới bức ảnh do Giám đốc Truyền thông xã hội Nhà Trắng Dan Scavino đăng trên Twitter hôm 27/10.

Một số người ủng hộ giả thuyết về "bức ảnh dàn dựng" do Souza đưa ra, dẫn dữ liệu về hoạt động chơi golf của Trump cho thấy Tổng thống đang chơi golf lúc 15h33 hôm 26/10, khi cuộc đột kích được cho là đang diễn ra, và chỉ trở về Nhà Trắng lúc 16h18.

Tuy nhiên, nhiều nhà báo, quan sát viên sau đó chỉ ra lỗi sai của Souza. Theo phóng viên Ben Taub của New Yorker, các thông tin từ hiện trường cho thấy cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của thủ lĩnh IS tại Idlib diễn ra vào khoảng 23h ngày 26/10 giờ Syria, tức 17h tại Washington. AP cũng đưa tin cuộc tấn công được tiến hành sau nửa đêm ở Syria.

Souza sau đó đã đính chính trên Twitter rằng ông "không nói bức ảnh được dàn dựng" và có thể cuộc đột kích vẫn diễn ra vào lúc 17h.

Ông chủ Nhà Trắng hôm qua xác nhận al-Baghdadi đã chết bằng cách tự kích nổ đai bom sau cuộc đột kích trong đêm của quân đội Mỹ ở Syria, nói thêm rằng thủ lĩnh IS đã "vừa chạy vừa khóc và la hét" khi bị truy đuổi và "thi thể không còn nguyên vẹn, bị vùi lấp dưới đường hầm". 

Cái chết của al-Baghdadi được cho là thắng lợi quan trọng đối với Trump sau khi ông đột ngột quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi đông bắc Syria và bị chỉ trích dữ dội, bởi nhiều người cho rằng động thái này sẽ giúp IS hồi sinh.

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)