Thế giới

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới

Mặc dù mang ý nghĩa là nét truyền thống trong văn hóa dân tộc ở một số quốc gia, nhưng những phong tục kinh dị này đang ngày càng bị mai một khi khoa học và công nghệ phát triển cũng như ý thức của người dân đã khác hơn so với các thế hệ xa xưa.

Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn

Ăn thịt người là một khái niệm rất kinh khủng mà ngay từ thời xa xưa, xã hội của chúng ta đã không chấp nhận điều đó. Thế nhưng, đối với người Wari xưa - một bộ tộc thiểu số tại khu vực Nam Mỹ thì điều này càng linh thiêng, đáng trân trọng. May mắn là truyền thống của bộ tộc này đã được chấm dứt từ rất nhiều năm trước.

Wari là một bộ tộc cổ xưa, từng tồn tại song hành với nhiều nền văn hóa Trung cổ vĩ đại khác từ những năm 600 sau CN. Đế chế Wari xưa tồn tại ở khu vực Nam Mỹ, giáp Thái Bình Dương. Mãi đến thế kỉ 19, do chiến tranh, họ di dời đến sống ở lưu vực sông Amazon, thuộc Brazil cho đến ngày nay.

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới

Như mọi bộ tộc lớn khác từ xa xưa - họ hình thành nền văn hóa với những quan niệm riêng về thế giới. Một trong số đó là cách vô cùng đặc biệt mà họ dùng để mai táng những người đã khuất - ăn xác người chết. Tang lễ của người Wari diễn ra theo những nghi thức rất trang nghiêm.

Trong một vài ngày sau khi ai đó qua đời, tất cả gia đình, bạn bè sẽ khóc thương và hát ca để tưởng nhớ. Hết thời gian đó (thường là 2- 3 ngày), thời điểm mà cơ thể đã phân hủy nhẹ, họ bắt đầu quá trình mai táng của mình. Người tiến hành nghi lễ phải thực hiện một cách cẩn thận bằng cách dùng que xiên chứ tuyệt đối không được chạm tay vào thịt.

Những thành viên thân cận nhất trong gia đình là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái sẽ không tham gia vào nghi lễ - việc này bị cấm. Chỉ những người trong họ (họ bố, họ mẹ, họ vợ chồng,…) và có quan hệ họ hàng xa mới thực hiện nghi lễ này. Phải nhấn mạnh rằng người Wari giữ tập tục này rất lâu như một nét văn hóa. Họ thực hiện như một sự bày tỏ niềm tôn kính dành cho người đã khuất.

Đôi khi những xác chết đã phân hủy quá mạnh, đến nỗi gần như không thể ăn được thì nghi lễ vẫn cứ phải tiến hành, nhưng chỉ theo kiểu tượng trưng. Và quy tắc bất di bất dịch là: trái tim và lá gan sẽ được ăn hết. Cũng cần biết rằng mọi thứ sẽ được chế biến chứ không ăn sống. Cuối cùng những phần còn lại (xương, tóc…) được hỏa thiêu và tang lễ kết thúc.

Điều này đối với chúng ta nghe có vẻ hơi man rợ và khó chấp nhận. Nhưng khác hẳn những gì chúng ta tưởng, nghi thức quan trọng này mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt với cả người đã khuất và thân nhân còn sống. Trước hết, họ cho rằng đem thân xác người chết chôn xuống đất là để mặc họ trong sự ẩm ướt, bẩn thỉu, lạnh lẽo. Thay vào đó, người Wari chọn cách của mình để giữ lại phẩm chất, trí tuệ - những gì tinh hoa nhất của người chết.

Thứ hai, họ tin rằng để linh hồn người chết được giải phóng thật sự khỏi cái vỏ bọc đã chết thì cơ thể cũ phải mất đi. Linh hồn kia sau đó mới có để đi đến một kiếp sống mới, trở thành một sinh vật khác. Đó có thể tiếp tục là con cháu của bộ lạc, có thể là những con vật mang đến cho họ cái ăn – phù trợ và nâng đỡ cuộc sống của họ khỏi khó khăn.

Đấu tranh "khai tử" hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ tại Kenya

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới - 1

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Cộng hòa Kenya bao gồm cưỡng hiếp, bạo lực gia đình, cắt bộ phận sinh dục nữ (FGM) và tảo hôn. Những bất công này xuất phát từ quan niệm về văn hóa, tôn giáo đã ăn sâu cả ngàn năm tại quốc gia Châu Phi này.

Rachael Chepsal nắm chặt cuốn Kinh thánh của mình khi nhớ lại thử thách kinh hoàng của mình vào tháng 12/2017 khi trải qua một nghi lễ được gọi là cắt bộ phận sinh dục nữ mà không cần thuốc mê. Rachael nằm trong số hơn 2.000 cô gái thuộc cộng đồng dân tộc Pokot được cha mẹ gửi đến thị trấn Iten hẻo lánh để hồi phục sức khỏe sau thủ tục bất hợp pháp ở Kenya kể từ năm 2011.

Cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM) là một vấn đề toàn cầu. Liên hợp quốc ước tính hơn 200 triệu trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới phải gánh chịu hậu quả của thủ thuật cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục nữ. Hành động này bao gồm việc cắt hoặc cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần cơ quan sinh dục ngoài của nữ giới. Thủ tục này thường được thực hiện vào tháng 8 và tháng 12 tại nhiều vùng trên đất nước Kenya khi các trường học đóng cửa.

Theo văn hóa của các nước tiến hành việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, hành động này nhằm mục đích làm giảm nguy cơ phụ nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân, hoặc ngoại tình sau hôn nhân. Đây là một nghi thức bắt buộc đối với các cô gái trước khi kết hôn. “Các cô gái phải cắt bỏ âm vật để được kết hôn. Đó là quá trình chuyển đổi từ một cô gái thành phụ nữ. Đó là một truyền thống đã và đang diễn ra mãi mãi”, đó là một trong những quan niệm về việc thực hiện nghi lễ tàn bạo FGM. Hay như, các bà mẹ ở Pokot, Kenya tin rằng việc thực hiện hủ tục cắt xén âm vật là dấu hiệu của sức mạnh.

“Cơn đau sẽ khiến cho những đứa con gái mạnh mẽ”, một người phụ nữ vừa có con gái thực hiện nghi lễ xong chia sẻ. Áp lực phải thực hiện hủ tục FGM xuất phát từ việc trong nhiều bộ tộc nếu người phụ nữ không trải qua điều này sẽ vô cùng khó sinh sống tại nơi mà họ sinh ra.

Luật pháp Kenya đưa ra án tù chung thân cho trường hợp các cô gái chết vì hủ tục trên. Tuy nhiên, truyền thống này vẫn tồn tại phổ biến. Thậm chí, Liên Hợp Quốc cũng phát động chiến dịch chấm dứt tình trạng cắt bỏ bộ phận sinh dục ở phụ nữ, đe dọa đến tính mạng và đánh cắp giấc mơ được sống như một phụ nữ bình thường. Về lâu dài, nó dẫn đến các nguy cơ như vô sinh, biến chứng khi sinh, đôi khi dẫn đến tử vong ở cả mẹ và con sau này.

Một báo cáo điều tra cho biết, nếu xu hướng này tiếp tục thì thêm 86 triệu bé gái sẽ là nạn nhân của tệ nạn này đến trước năm 2030. Việc cắt xén âm vật có thể gây các cơn đau dữ dội, tính mạng luôn bị đe dọa, các bé gái bị chảy máu và có thể nhiễm trùng. Hậu quả đáng tiếng nhất là cướp đi tính mạng của các cô gái trẻ.

Rùng mình với lễ hội hành xác Thaipusam của người Hindu ở các quốc gia Đông Nam Á.

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới - 2

Vào ngày diễn ra lễ hội Thaipusan, một trong những lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Ấn Độ tại Singapore, sẽ có hàng chục nghìn tín đồ tham gia để tưởng nhớ Thần Murugan - vị thần của đức hạnh, tuổi trẻ và sức mạnh trong đạo Hindu.

Nhằm bày tỏ sự tôn kính, các nhóm diễu hành, đại diện cho các gia đình, dòng họ, đã mang trên mình các loại kavadi (gồm hai thanh thép hoặc gỗ hình bán nguyệt được bẻ cong, vắt chéo nhau và đặt lên vai tín đồ) và bình sữa để dâng lên thần Murugan.

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới - 3

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới - 4

Những người Hindu mộ đạo tin tưởng rằng những ai chịu đựng được nỗi đau đớn càng lớn thì người đó càng được thần che chở. Do đó, bên cạnh việc móc những thanh sắt vào người, họ còn dùng những vật sắc nhọn xiên qua miệng, lưỡi, má, ngực của mình hoặc đi trên những đôi dép gắn bàn chông...

Trong khi đó tại Malaysia, các tín đồ thường đổ về hang động Batu, Malaysia vào đầu tháng hai khi lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng Tamil thuộc lịch Tamil của người Hindu.

Lễ hội tương tự cũng diễn ra tại Myanmar, Indonesia, Nam Phi và vùng Caribê. Vật thể sắc nhọn được sử dụng để tưởng nhớ nữ thần Hindu Parvati, người từng ban một cây giáo cho thần chiến tranh Murugan để giết con quỷ dữ Soorapadman theo truyền thuyết.

Cắt 'vùng kín' đánh dấu tuổi trưởng thành, móc sắt xuyên qua người và những phong tục kinh dị trên thế giới - 5

Cái ấn tượng nhất ở lễ hội Thaipusam có lẽ là vel kavadi, một bàn thờ di động cao tới 2m, trang trí lộng lẫy. Bàn thờ được gắn thẳng vào cơ thể một tín đồ bằng 108 thanh kim loại đâm xuyên qua da thịt, nhưng lại không gây chảy máu và không để lại vết thương. Người mang vel kavadi cũng cho biết họ không hề cảm thấy đau đớn hay nặng nề gì cả, dù sự thật ra sao chỉ mình người đó biết thôi.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/cat-vung-kin-danh-dau-tuoi-truong-thanh-moc-sat-xuyen-qua-nguoi-va-nhung-phong-tuc-kinh-di-tren-the-gioi-d172416.html