Thế giới

Chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay Mỹ trên Biển Đông

Lầu Năm Góc cho biết hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hôm 17/5 áp sát nguy hiểm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ trên Biển Đông.

 

Lầu Năm Góc cho biết hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hôm 17/5 áp sát nguy hiểm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ trên Biển Đông.

"Các báo cáo ban đầu cho thấy hai phi cơ Trung Quốc thực hiện động tác tiếp cận không an toàn", ông Jamie Davies, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, nói.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng, vào một thời điểm, hai phi cơ Trung Quốc chỉ bay cách máy bay do thám Mỹ khoảng 15 m.

Chien dau co Trung Quoc chan may bay My tren Bien Dong hinh anh 1

Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc. Máy bay này từng được Bắc Kinh triển khai trái phép ra đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: USAF

Lầu Năm Góc cũng cho biết, giới chức Mỹ đã thể hiện sự phản đối của họ với Trung Quốc qua các kênh quân sự và ngoại giao. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa có phản hồi về sự việc này.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định rằng chặn phi cơ do thám nước ngoài có thể là một chủ trương mà Trung Quốc áp dụng trong quá trình mở rộng hoạt động quân sự trên biển. Theo ông, Washington không nên phản ứng mạnh trước những hành vi khiêu khích như vậy.

Sự việc xảy ra sau khi Bắc Kinh và Washington trao đổi về những biện pháp giảm nguy cơ đụng độ bằng cách thương lượng ở nhiều cấp. Năm 2015, hai nước đạt được thỏa thuận mở đường dây nóng và thống nhất các quy tắc hành xử để tránh những va chạm trên không.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang ở mức cao sau khi Trung Quốc ngang ngược bồi lấp nhiều bãi đá mà họ chiếm trái phép thành đảo nhân tạo, đồng thời ráo riết thực hiện chủ trương quân sự hóa vùng biển này. Mỹ tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không dựa trên cơ sở pháp lý. Nhà Trắng từng nhiều lần điều tàu và phi cơ tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh.

Chien dau co Trung Quoc chan may bay My tren Bien Dong hinh anh 2
Trung Quốc thường xuyên có những hành động ngang ngược trên biển và trên không tại khu vực Biển Đông, vấp phải sự phản đối của các nước. Đồ họa: Telegraph

Ngày 16/5, Tướng Robert Neller, tư lệnh lực lượng thuỷ quân lục chiến cáo buộc “một số quốc gia” đang thúc đẩy lợi ích của họ ở Biển Đông theo cách “tinh vi và có tính toán, nhưng nó không góp phần vào sự ổn định ở khu vực”.

Tướng Neller khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở khu vực, bao gồm các chuyến tuần tra ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.

“Nhiều người sẽ nổi giận trước hành động của chúng tôi nhưng Mỹ vẫn duy trì liên lạc với họ, nói với họ rằng chính các hành động của họ mới phá hoại sự ổn định của thế giới”, Navy Times dẫn lời ông Neller nói.

Cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông mới nhất của Mỹ diễn ra vào ngày 10/5. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường U.S.S. William P. Lawrence  đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam.

Giữa tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra báo cáo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2015.

Giữa tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra báo cáo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2015.

Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc đã cải tạo phi pháp hơn 1.300 hecta ở 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 2 năm qua.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch cải tạo lớn từ tháng 10/2015, sau đó chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập để đáp ứng hoạt động của máy bay chiến đấu.

Theo Quân Vũ (Zing.vn)