Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Dòng tiền của giới tài phiệt Nga vẫn chảy giữa bão trừng phạt của phương Tây như thế nào?

Mỹ từng áp đặt các biện pháp cấm vận với gia đình tỷ phú Arkady Rotenberg, được cho là sẽ khiến ông không thể tham gia hệ thống tài chính nước này. Tuy vậy, chỉ 8 tuần sau, Rotenberg đã mua bức tranh 7,5 triệu USD ở thành phố New York.

Đó là thời điểm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Từ đó tới nay, các biện pháp trừng phạt không gây nhiều khó dễ cho Rotenberg. Tổng tài sản của ông ước tính 3 tỷ USD, và em trai ông, Boris, trở thành tỷ phú sau khi bị áp đặt trừng phạt. Các điều tra viên xác định ít nhất 91 triệu USD được chuyển vào nền kinh tế Mỹ từ các tài khoản có liên quan tới gia đình này.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lãnh đạo nhiều nước đã phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nền kinh tế Nga. Các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nhiều công ty đa quốc gia ngừng hoạt động ở Nga.

Các lệnh cấm nhắm vào những nhân vật được coi là thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có Boris Rotenberg và con trai Igor của Arkady Rotenberg để gây áp lực lên nhà lãnh đạo Nga.

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn đặt câu hỏi liệu những biện pháp trừng phạt của phương Tây có phát huy hiệu quả hay không, sau khi phần lớn đã thất bại trong quá khứ. Arkady Rotenberg chỉ là một trong những ví dụ về sự kém hiệu quả của các biện pháp được mô tả là “tử hình tài chính”.

Phân tích hồ sơ của các công ty toàn cầu do New York Times thực hiện cho thấy có gần 200 công ty liên quan tới gia đình Rotenberg ở hơn 10 nước khác nhau. Nhiều công ty hiện không còn hoạt động, nhưng ngay cả sau khi Rotenberg bị áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2014, ông này vẫn có thể nắm giữ cổ phần của ít nhất bảy công ty ở các thiên đường thuế tại châu Âu.

Dòng tiền của giới tài phiệt Nga vẫn chảy giữa bão trừng phạt của phương Tây như thế nào?
Tỷ phú  Arkady Rotenberg (Ảnh: Getty)

Năm 2020, Rotenberg trở thành chủ sở hữu hai công ty Robben Investments và Lucasnel S.A. ở thiên đường thuế Luxembourg. Hồ sơ của các công ty cho thấy Rotenberg vẫn sở hữu những công ty này.

Thực tế, Rotenberg vẫn giàu có và tiêu xài xa hoa, do chính phủ các nước ít khi điều tra hay làm rõ tài sản của những người mà họ nhắm mục tiêu. Trong khi các tài phiệt thuê kế toán cấp cao, luật sư và trung gian để che giấu tài sản, chính phủ các nước để ngân hàng và các công ty tự tìm hiểu xem họ có đang làm ăn với những cá nhân, tổ chức bị áp đặt trừng phạt hay không.

Các điều tra viên chính phủ thường bỏ qua báo cáo về các hoạt động ngân hàng đáng ngờ. Các lãnh đạo châu Âu hứa hẹn sẽ làm minh bạch hệ thống tài chính, nhưng thường chậm giải quyết vấn đề này. Quốc hội Mỹ bỏ phiếu trao quyền cho Bộ Tài chính điều tra các công ty vỏ bọc, nhưng hầu như không dùng tới điều này trong nhiều năm.

Phil Mason, cựu cố vấn cấp cao của chính phủ Anh cho rằng quan điểm chung về tài chính bất hợp pháp là không thực sự lo ngại. Mason nói các nhà lập pháp coi dòng tiền từ Nga là nguồn việc làm và đầu tư, và họ không coi đó là một vấn đề nghiêm trọng.

Tuy vậy, cuộc xung đột ở Ukraine có thể là bước ngoặt trong vấn đề xử lý hiệu quả các lệnh trừng phạt, theo các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức chính phủ ở Mỹ và châu Âu. Các động thái được đưa ra đều được đánh giá là chưa có tiền lệ, chẳng hạn như đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, hay cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ. Phát ngôn viên chính phủ Anh cho biết các động thái mạnh tay “hoàn toàn phù hợp với đồng minh và đối tác của chúng ta”.

Những nỗ lực trừng phạt mới cũng được đánh giá là sâu rộng hơn và phối hợp tốt hơn. Liên minh châu Âu và Mỹ dẫn đầu những nỗ lực này, nhưng ngoài ra còn có sự tham gia của Anh, nước vốn khá thận trọng trong quá khứ. Australia, Nhật Bản và Canada đều đã công bố các biện pháp trừng phạt, ngay cả Thụy Sĩ cũng tuyên bố sẽ đóng băng tài sản của giới tài phiệt Nga.

Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Hình sự Quốc gia Anh gần đây đều công bố nhóm chuyên trách truy vết tài sản Nga và thực thi các lệnh trừng phạt.

Không có để nhận biết các tài phiệt như Rotenberg đã giấu tiền như thế nào. Điều tra của Thượng viện Mỹ năm 2020 cho thấy nguồn tiền được di chuyển trên khắp thế giới. Một công ty ở Belize hợp tác làm ăn tại London với cổ đông sống ở Cyprus và một tài khoản ngân hàng ở Estonia là một ví dụ. Các điều tra viên cho rằng những thương vụ như vậy khá phổ biến. 

Đầu tiên, một luật sư hoặc người đại diện tin cậy lập nên một công ty ma tại tại nước ngoài. Trên lý thuyết, công ty này có giám đốc riêng, nhưng trên thực tế mọi quyết định đều thuộc về một nhân vật khác. 

Công ty này có thể sở hữu các công ty ma khác, khiến cho giới chức càng khó xác định cái mà họ gọi là “ông chủ hưởng lợi cuối cùng”. Những công ty này có tài khoản ngân hàng bí mật. Bằng cách này, công ty ma có thể chuyển tiền hoặc mua bán mà không ai biết chủ sở hữu thật là ai. Những hành vi này thường là phạm pháp.

“Chúng ta đang nói về những người có tài nguyên vô hạn để chuyển tiền và tránh trừng phạt,” luật sư David H. Laufman, người từng đứng đầu bộ phận phản gián của Bộ Tư pháp Mỹ nói.

Các điều tra viên phát hiện, để thiết lập mạng lưới này, gia đình Rotenberg đã nhờ tới sự giúp đỡ của Mark Omelnitski, một “chuyên gia” thiết lập các mạng lưới công ty ma mờ ám. Điều tra viên của Thượng viện Mỹ phát hiện sách hướng dẫn cho thấy công ty Markom Group của Omelnitski có thể thiết lập công ty nước ngoài cho các khánh hàng với chỉ 1.000 USD.

“Có khả năng Markom đã thiết lập nhiều công ty cho khác nhau cho giới tài phiệt Nga,” điều tra nội bộ của ngân hàng Barclays kết luận.

Barclays đã đóng 198 tài khoản ngân hàng liên quan tới Markon Group vào tháng 08/2017. Tuy vậy, Omelnitski vẫn điều hành một mạng lưới các công ty ở Anh và nước ngoài, bản thân ông không đối diện với trừng phạt hay truy tố hình sự nào.

Chính phủ Anh và Mỹ tới thời điểm này đều không ưu tiên nhắm mục tiêu vào các nhà tài phiệt Nga, một phần bởi công việc điều tra mạng lưới của họ mất nhiều thời gian, công sức và phối hợp quốc tế, theo New York Times. Các ngân hàng được yêu cầu phải cảnh báo giới chức nếu phát hiện hoạt động bất thường, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, quan chức chính phủ cũng phản ứng chậm. 

Một cố vấn cấp cao ở Thượng viện Mỹ nói rằng các điều tra viên về Rotenberg phát hiện các ngân hàng đã gửi rất nhiều báo cáo tới Bộ Tài chính Mỹ, nhưng không có phản hồi.

Liên minh châu Âu vào năm 2018 thông qua dự luật công bố thông tin về chủ sở hữu các công ty châu Âu cho công chúng, nhưng bốn năm sau, sau khi 17 nước hoãn thực thi, cơ sở dữ liệu đăng ký vẫn chưa hoàn thành.

Quốc hội Mỹ vào năm 2021 đã thông qua luật minh bạch tương tự, nhưng các nhà lập pháp vẫn chưa đồng ý chi 63 triệu USD để ban hành luật. Các quan chức Bộ Tài chính nước này vẫn đang soạn thảo quy định để làm rõ những vấn đề liên quan tới các công ty ma.

Giới chuyên gia nhận định chính phủ các nước có thể phải thay đổi luật để giải quyết vấn đề trừng phạt kém hiệu quả.

Tại Mỹ, giới chức có quyền tịch thu tài sản nếu họ nghi ngờ đã có hành vi phạm pháp. Tuy vậy, các nhà điều tra lưu ý rằng khó có thể tìm thấy tài sản của các tài phiệt Nga trong các ngân hàng ở Mỹ, hãy các siêu du thuyền Nga đậu tại các bến cảng nước này. Nhiệm vụ khó khăn hơn là xác định các hoạt động chuyển tiền theo thời gian thực, khi người mua giấu mặt đằng sau những công ty ma hay ngân hàng nước ngoài, giống như cách gia đình Rotenberg đã làm trong nhiều năm.

Chính phủ Pháp đang cân nhắc các luật cho phép họ tịch thu, không chỉ đóng băng, tài sản của những nhân vật bị trừng phạt. Hiện tại, chính phủ nước này chỉ có thể tịch thu tài sản có bằng chứng phạm tội. Tuy vậy, Pháp hồi đầu tháng đã tịch thu du thuyền của Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu Rosneft trước khi nó có thể rời cảng. Chính phủ Pháp cho biết việc trốn tránh trừng phạt cũng là phạm tội.

Tương tự, chính phủ Anh tuần trước thông báo đã tịch thu máy bay tư nhân bị nghi ngờ liên quan tới tỷ phú Roman Abramovich. Tuy vậy, lập luận của chính phủ Anh cho rằng họ có thể tịch thu máy bay dựa trên lệnh cấm các máy bay liên quan tới Nga vào Anh vẫn chưa bị thách thức. Chiếc máy bay cũng được đăng ký ở Luxembourg, không phải ở Anh hay Nga.

Tổ chức chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế ước tính khoảng 2 tỷ USD tài sản ở Anh thuộc về những người Nga bị cáo buộc phạm tội tài chính hoặc có liên quan. Chính phủ Anh từ lâu bị coi là chậm trễ trong việc áp trừng phạt đối với những nhà tài phiệt Nga, chẳng hạn gia đình Rotenberg bị nhiều nước trừng phạt từ lâu, nhưng mới đây mới bị Anh trừng phạt.

Tuy vậy, London đang có những động thái quyết liệt hơn. Quốc hội Anh gần đây thông qua luật cấm “núp bóng” công ty nước ngoài khi mua tài sản.Chính phủ Anh cũng đã có những biện pháp trừng phạt cụ thể nhắm vào tỷ phú Abramovich, khiến ông phải bán đội bóng Chelsea sau khi tài sản bị đóng băng. Các nhà lập pháp Anh cho biết ông này cũng đã tìm cách bán bất động sản ở London.

Ngay cả với những thay đổi đó, các lỗ hổng vẫn còn tồn tại. Sau khi báo cáo của Thượng viện Mỹ cho thấy Arkady Rotenberg mua tranh ở Mỹ như thế nào, các nhà lập pháp nước này đã cố gắng yêu cầu giới kinh doanh nghệ thuật phải minh bạch tương tự như các ngân hàng. Thế nhưng dưới sự vận động hành lang của các nhà đấu giá, giới lập pháp Mỹ vẫn dập tắt ý định này, tiếp tục cho phép mua bán các tác phẩm nghệ thuật ẩn danh.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/dong-tien-cua-gioi-tai-phiet-nga-van-chay-giua-bao-trung-phat-cua-phuong-tay-nhu-the-nao-tintuc816499