Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Gần 575.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 13,2 triệu ca nCoV, gần 575.000 người chết, châu Mỹ vẫn là tâm dịch, WHO cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 13.216.106 ca nhiễm và 574.753 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 193.793 và 3.754 trong 24 giờ qua, trong khi 7.683.112 người đã bình phục.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.474.296 ca nhiễm trong khi 138.182 người đã tử vong, tăng lần lượt 62.970 và 409 ca trong 24 giờ qua.

New York và các khu vực khác ở vùng đông bắc nước Mỹ đạt tiến bộ trong ngăn chặn dịch, nhưng nhiều khu vực, chủ yếu là miền nam và miền tây, lại chứng kiến sự gia tăng lây lan dịch bệnh. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cuối tuần trước cảnh báo sự gia tăng ca nhiễm đột biến tại các khu vực khác có thể khiến tình hình Covid-19 phức tạp trở lại ở bang này, gọi đây là "vòng luẩn quẩn" của dịch bệnh.

Gần 575.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Nhân viên y tế trong khu điều trị tích cực của một bệnh viện ở Santiago, Chile, hôm 9/7. 

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 18.791 ca nhiễm và 682 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.884.967 và 72.833. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở đất nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Dù tình hình dịch không có dấu hiệu ổn định, một số bang ở Brazil, bao gồm hai vùng dịch lớn là Rio de Janeiro và Sao Paulo, đã bắt đầu nới các biện pháp hạn chế. Hình ảnh những quán bar và bãi biển đông đúc làm dấy lên lo ngại về các đợt bùng phát mới.

Peru, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, ghi nhận thêm 3.797 ca nhiễm và 184 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 330.123 và 12.054, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Chính phủ Peru hôm 1/7 dỡ lệnh phong tỏa tại 18 trong số 25 vùng, nơi họ nhận định đã qua đỉnh dịch. Chính phủ Tổng thống Martin Vizcarra cho biết nới lỏng biện pháp hạn chế sẽ giúp hồi sinh tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Chile xếp thứ sáu thế giới với 317.657 ca nhiễm và 7.024 ca tử vong, tăng lần lượt 2.616 và 45 ca so với hôm trước. Giới chức nước này tuần trước lên kế hoạch nới dần các biện pháp phong tỏa, song cho biết vẫn rất thận trọng.

Mexico là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 299.750 ca nhiễm và 35.006 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.482 và 276 ca. Thủ đô Mexico City, tâm Covid-19 cả nước, bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7. Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 104 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.439. Số ca nhiễm tăng 6.537, lên 733.699, đánh dấu ngày thứ 18 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Các biện pháp hạn chế, gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, vẫn duy trì đến tháng 8. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được nới lỏng như cho phép các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa nối lại hoạt động với điều kiện tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Tây Ban Nha thông báo ca nhiễm và ca tử vong ở nước này lần lượt là 303.033 và 28.406, tăng 681 và một trường hợp trong 24 giờ. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.

Quần đảo Balearic, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng từ 13/7, ngay cả khi mọi người giữ khoảng cách an toàn.

Anh báo cáo thêm 530 ca nhiễm và 11 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 290.133 và 44.830.Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ở những không gian kín, có thể tiếp xúc gần với người khác.

Các cửa hàng không thiết yếu ở Anh đã mở cửa trở lại từ 15/6. Các tiệm làm tóc, quán rượu và nhà hàng cũng bắt đầu kinh doanh trở lại từ cuối tuần trước. Người dân Anh được yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và khi tới bệnh viện.

Italy ghi nhận thêm 169 ca nhiễm và 13 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 243.230 và 34.967. Viện Y tế Quốc gia Italy hôm 9/7 cho biết đang lên kế hoạch giám sát nước thải trên toàn quốc để cảnh báo sớm về những nguy cơ bùng phát Covid-19.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.

Đức báo cáo thêm 486 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 200.436, trong khi số ca tử vong ở mức 9.139, tăng 5 trường hợp. Hầu hết cửa hàng trên cả nước đã mở lại, một số bang chỉ cho phép cửa hàng từ 800 m2 trở lên hoạt động. Giới chức Đức cho biết người hâm mộ bóng đá có thể tới sân vận động xem các trận đấu vào mùa thu này.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.349 ca nhiễm, nâng tổng số lên 259.652, trong đó 13.032 người chết, tăng 203 ca so với hôm qua. Iran đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 từ giữa tháng 4, song gần đây lại ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 12/7 kêu gọi cấm các cuộc tụ tập đông người, trong đó có đám cưới, đám tang, trong khi lãnh tụ tối cao Iran Khamenei gọi hành động không đeo khẩu trang để phòng nCoV là "đáng xấu hổ", đồng thời kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi Covid-19.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.852 ca nhiễm và 20 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 235.111 và 2.243. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 28.179 ca nhiễm và 540 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 907.645 và 23.727. Các thành phố lớn của Ấn Độ như New Delhi và Mumbai là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Chính quyền ở một số bang và thành phố lớn tại Ấn Độ đang khôi phục các biện pháp hạn chế, sau khi nới lỏng nhằm kích thích kinh tế phục hồi. Biên giới giữa các bang một lần nữa được tuần tra nghiêm ngặt. Người bang khác sẽ được đưa vào trung tâm cách ly.

Thủ tướng Narenda Modi cố trấn an người dân bằng cách phát biểu trên truyền hình rằng Ấn Độ đang làm tốt hơn những nước giàu có, đặc biệt nhấn mạnh vào tỷ lệ tử vong. Nước này ghi nhận 16 ca tử vong do Covid-19 trên một triệu người, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Brazil, Italy, Tây Ban Nha, với hàng trăm ca trên một triệu người.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 76.981 ca nhiễm, tăng 1.282 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.656 người chết, tăng 50 ca. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người dân chủ quan khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa.

Trung Quốc chưa công bố số liệu.

Giới chức Bắc Kinh thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7. Tất cả những người sống trong khu vực được coi là "nguy cơ thấp" có thể rời Bắc Kinh mà không cần kết quả xét nghiệm nCoV. Trung Quốc cũng triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn quốc đối với sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ "các quốc gia có nguy cơ cao".

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 57.006 người nhiễm và 1.599 người chết, tăng lần lượt 747 và 65 trường hợp trong 24 giờ. Theo Bộ Y tế nước này, ca nhiễm mới tăng mạnh có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 46.283 người nhiễm, tăng 322 ca, trong đó 26 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cảnh báo khủng hoảng Covid-19 có thể ngày càng xấu đi. "Tôi xin nói thẳng là quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng, nCoV vẫn là kẻ thù số một của cộng đồng. Nếu các quy tắc cơ bản không được tuân thủ, tình hình đại dịch sẽ ngày càng tồi tệ", ông nói.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/gan-575-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4130022.html