Thế giới

Máy bay chiến đấu Nga lượn sát tàu khu trục Mỹ

Mỹ nói rằng máy bay chiến đấu Nga đã bay "mô phỏng tấn công" ngay bên trên một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ ở biển Baltic.

Mỹ nói rằng máy bay chiến đấu Nga đã bay "mô phỏng tấn công" ngay bên trên một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ ở biển Baltic.

Su-24 Nga bay gần tàu khu trục Mỹ. Ảnh: US Navy

 
Một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả một loạt sự cố trong tuần này, trong đó có sự kiện vào hôm 12/4, khi một máy bay Su-24 Nga bay chỉ 9 m bên trên tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook. Cách phi cơ Nga sà xuống, bay ngay trên boong tàu Mỹ giống như kiểu bay được sử dụng khi tấn công, theo CNN.
 
Tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook vừa kết thúc chuyến thăm cảng ở thành phố Gdynia của Ba Lan vào ngày 11/4 và sau đó tiến ra biển Baltic, với một trực thăng của Ba Lan trên tàu.
 
Ngày 11/4, hai máy bay Su-24 bay qua tàu Donald Cook khoảng 20 lần, đến gần tàu ở khoảng cách hơn 900 m, ở độ cao khoảng 30 m.
 
Hôm 12/4, một trực thăng chống ngầm Nga Ka-27 Helix đã bay 7 lần trên tàu khu trục và chụp ảnh nó.
 
Ngay sau đó, một chiếc Su-24 đến và bay ngay bên trên tàu. Nó bay thấp đến mức "làm mặt nước dậy sóng", quan chức quốc phòng Mỹ nói. Máy bay Nga không mang vũ khí.
 
Video: Máy bay Nga lượn ngay trên đầu khu trục hạm Mỹ
 
Các thủy thủ Mỹ đã nhiều lần cố gắng liên lạc với máy bay Nga trên tần số quốc tế nhưng không được đáp lại, quan chức Mỹ cho biết và nhấn mạnh con tàu đang trong vùng biển quốc tế. Tàu Mỹ ở điểm cách Kaliningrad (vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan) 70 hải lý khi sự cố xảy ra.
 

Phi cơ Nga bay trên khu trục hạm Mỹ. Ảnh: US Navy

 
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết sĩ quan chỉ huy của tàu Donald Cook tin rằng sự cố hôm 12/4 là "không an toàn và không chuyên nghiệp".
 
"Nhà Trắng biết đến vụ việc này", phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói. "Vụ việc này hoàn toàn không đúng với các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của quân đội hoạt động gần nhau trong vùng biển và vùng trời quốc tế".
 
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington tăng cao, do sự tham gia của Nga trong khủng hoảng Ukraine và Syria.
 
NATO đang lên kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự lớn nhất trong khu vực Đông Âu kể từ Chiến tranh Lạnh, để dè chừng Nga.
 
Ba nước Baltic, đã gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu vào năm 2004, yêu cầu NATO duy trì lực lượng tương đương với tiểu đoàn tại lãnh thổ của họ. Một tiểu đoàn NATO thường bao gồm 300-800 quân. Moscow đã bác bỏ thông tin nói rằng họ có ý định tấn công các nước Baltic.
 

Vụ việc xảy ra ở biển Baltic. Đồ họa: BBC

 
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)