Thế giới

Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch, đàm phán chưa có đột phá

Theo hãng thông tấn Reuters, hôm nay (30/3), các lực lượng Nga tiếp tục tấn công thành phố ở phía bắc của Ukraine.

Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch, đàm phán chưa có đột phá
Trụ sở chính quyền vùng Mykolaiv của Ukraine sau khi bị Nga pháo kích. Ảnh: AP

Nga tuyên bố sẽ thu hẹp chiến dịch ở gần Kiev và thành phố Chernihiv, phía bắc Ukraine để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau cho hòa đàm. Tuy nhiên, Thị trưởng Chernihiv Vladyslav Astroshenko cho biết, các đợt oanh tạc của Nga đã gia tăng trong 24h qua. Hiện có hơn 10.000 người mắc kẹt trong thành phố, trong khi thực phẩm và thuốc men chỉ đủ cho thêm một tuần nữa.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine là Oleksiy Arestovych nói, Moscow đang chuyển một số lực lượng từ bắc Ukraine sang phía đông nước này, trong khi vẫn cố bao vây lực lượng chủ lực của Ukraine tại đây. Ngoài ra, Nga vẫn duy trì quân gần Kiev nhằm đánh bại lực lượng Ukraine tại đây.

Tuần trước, các lực lượng Ukraine đã đạt một số tiến bộ đáng kể, giành lại một số thị trấn và làng mạc ở ngoại ô Kiev, phá vỡ vòng vây ở thành phố Sumy và đẩy lùi quân Nga ở khu vực tây nam.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc chiến Ukraine và Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không thấy bất kỳ điều gì thực sự hứa hẹn hay thứ gì đó giống như đột phá trong các cuộc hòa đàm với Ukraine. Ông Peskov nói Moscow hoan nghênh việc Kiev đưa ra các yêu cầu dưới dạng văn bản, nhưng ông cho biết vẫn còn một thời gian dài phía trước phải họp bàn.

Các nhà đàm phán Ukraine hôm qua cho hay, nước này đã đề xuất sẽ tuyên bố là nước trung lập được đảm bảo về mặt an ninh, nghĩa là Ukraine sẽ không gia nhập các liên minh quân sự hay là nơi tiếp nhận các căn cứ quân sự.

Hôm nay, Kremlin cho biết, tất cả năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga sẽ được định giá bằng đồng Ruble. Việc này sẽ khiến phương Tây cảm nhận được sự đau đớn của các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt với Nga.

Dù kinh tế Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ năm 1991, nhưng Tổng thống Nga Putin ngày 23/3 vẫn ra lệnh khí đốt xuất khẩu của nước này phải được thanh toán bằng đồng Rubles, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Động thái này buộc Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phải đưa ra cảnh báo sớm rằng nước này có thể phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nguồn cung. Năm 2021, Đức nhập khẩu 55% lượng khí đốt của Nga.

Theo Hoài Linh (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/nga-tuyen-bo-thu-hep-chien-dich-dam-phan-chua-co-dot-pha-826819.html