Thế giới

Nghi vấn phòng không Iran bắn nhầm máy bay

Vụ rơi máy bay Ukraine chở 176 người có thể bắt nguồn từ sai lầm của phòng không Iran trong trạng thái căng thẳng với Mỹ, theo giới chuyên gia.

Một quan chức Mỹ giấu tên ngày 9/1 cho biết tình báo Mỹ tin rằng lực lượng phòng không Iran đã bắn nhầm máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA), khiến nó rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay ở Tehran sáng 8/1, làm toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng. Vệ tinh Mỹ đã phát hiện hai tên lửa được phóng ngay trước khi máy bay rơi và sau đó có một vụ nổ, quan chức này nói.

Giới chức Iran lập tức bác bỏ cáo buộc này, cho rằng nó là "tin đồn vô căn cứ" dựa trên những suy luận "phi logic". Tuy nhiên, hoài nghi về số phận chuyến bay PS752 càng tăng lên sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm nay dẫn các thông tin tình báo rằng "máy bay bị tên lửa phòng không Iran vô tình bắn hạ".

Một số chuyên gia hàng không, dựa vào hình ảnh những lỗ thủng trên thân máy bay ở hiện trường, cũng đưa ra nhận định rằng chiếc Boeing 737 nhiều khả năng đã trúng một quả tên lửa, hậu quả từ sai lầm nghiêm trọng của một đơn vị phòng không trong giờ phút căng thẳng sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo tập kích căn cứ Mỹ.

Tình báo phương Tây cho rằng một khẩu đội phòng không Tor-M1 của Iran đã phóng hai quả tên lửa về phía chiếc máy bay, khiến nó bốc cháy và lao xuống. Tor-M1 là hệ thống phòng không tầm ngắn có khả năng cơ động cao, thường được dùng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu hoặc căn cứ quân sự trước mối đe dọa từ máy bay bay thấp, trực thăng hay tên lửa hành trình.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của các khẩu đội phòng không là phân biệt địch - ta (IFF), cũng như nắm rõ những mục tiêu dân sự không được phép tấn công. "Hệ thống Tor-M1 hoàn chỉnh sẽ có hàng loạt biện pháp để nhận diện chiếc Boeing 737-800 là máy bay dân sự", Jeremy Bogaisky, biên tập viên quốc phòng của tờ Forbes, nhận xét.

Nghi vấn phòng không Iran bắn nhầm máy bay
Xe chiến đấu Tor-M1 được Iran nâng cấp hồi năm 2013. Ảnh: ANNA News.

Các máy bay dân dụng được trang bị bộ thu phát tín hiệu nhận diện, cho phép chúng phát tín hiệu thể hiện mình là mục tiêu dân sự không gây nguy hiểm. Nếu máy hỏi đáp IFF của khẩu đội phòng không gặp trục trặc, kíp vận hành có thể tra cứu lịch trình hoạt động của các hãng hàng không để so sánh. 

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới nhầm lẫn, do chuyến bay PS752 cất cánh lúc 6h12, chậm hơn gần một giờ so với kế hoạch. Nếu lịch trình bay này không được phòng không Iran cập nhật, họ rất dễ phạm sai lầm.

Trung tướng David Deptula, cựu chỉ huy trong không quân Mỹ, cho rằng đây là sai lầm rất nghiêm trọng, bởi máy bay Ukraine lúc đó đang bay về phía bắc thủ đô Tehran để rời không phận Iran. "Một vụ bắn nhầm có thể dễ giải thích hơn nếu nó bay theo hướng ngược lại, khi đó phi cơ dễ bị coi là máy bay thù địch hơn", Deptula nói.

Nếu tỉnh táo, kíp phòng không có thể xem xét hướng bay và tốc độ mục tiêu trên màn hình radar để đánh giá mức độ nguy hiểm của nó. "Liệu vật thể trên radar có đang bay nhanh và duy trì độ cao nhỏ về hướng khu vực nhạy cảm? PS752 không phải mối đe dọa khi đang rời khu vực thủ đô và liên tục lấy độ cao, thay vì tìm cách che giấu tung tích trên radar", tướng Deptula nói thêm.

Dữ liệu hành trình trên trang FlightRadar24 cho thấy chiếc Boeing 737-800 đạt độ cao tối đa 2.400 m và tốc độ hơn 500 km/h trước khi mất tín hiệu định vị. Các chuyên gia cho rằng phòng không Iran có thể mắc "sai lầm sơ đẳng" do hai yếu tố chủ yếu là áp lực thời giantrạng thái báo động cao khi đó.

Tổ hợp Tor-M1 có tầm bắn tối đa khoảng 12 km, khiến kíp vận hành chỉ có chưa đầy 20 giây để quyết định phóng đạn hay không trước khi mục tiêu vượt khỏi tầm khống chế. "Đó là khoảng thời gian cực ngắn để suy nghĩ và hành động", Michael Elleman, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận xét.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq trước đó chỉ vài giờ. Điều này khiến lực lượng phòng không Iran phải duy trì trạng thái báo động cao, sẵn sàng đối phó với các đòn tập kích đường không để đáp trả của Mỹ.

"Hoàn cảnh này khiến quy tắc giao chiến được nới lỏng hơn, kèm theo đó là áp lực tâm lý khi phải đối phó với nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào. Họ có thể nghiêng về phương án 'bắn trước hỏi sau' trong trường hợp này", Elleman nhận định.

Video được cho là tên lửa Iran trúng vật thể trên trời vào thời điểm máy bay Ukraine gặp nạn sáng 8/1. Video: CNN.

Tình trạng càng nguy hiểm hơn do sự thiếu kinh nghiệm của lực lượng phòng không Iran. Họ chưa từng đối phó mối đe dọa thực tế nào kể từ sau chiến tranh Iran - Iraq giai đoạn 1980-1988. Vụ bắn hạ máy bay không người lái 200 triệu USD của Mỹ hồi tháng 6/2019 khó có thể coi là bài học hiệu quả, do nó diễn ra trên vùng biển ở eo Hormuz, không trực tiếp gây nguy hiểm cho binh sĩ Iran.

"Khó có lời bào chữa nào cho sai lầm này nếu nó thực sự xảy ra. Cách giải thích duy nhất là sự kém cỏi", Carlo Kopp, người sáng lập tổ chức phân tích Air Power Australia, nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Elleman cho rằng đặc thù chớp nhoáng của chiến tranh đường không hiện đại khiến nguy cơ bắn nhầm máy bay dân dụng sẽ tăng cao. "Tôi ngạc nhiên là điều đó không xảy ra thường xuyên hơn", ông cho hay.

Ngay sau khi có thông tin về vụ Iran tập kích hai căn cứ Mỹ ở Iraq, hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã cấm máy bay tiếp cận không phận ở khu vực này để đảm bảo an toàn. Trong nhiều ngày sau đó, dữ liệu từ trang Flighradar24 cho thấy vùng trời Iran gần như "vắng tanh", khi hầu hết máy bay đều cố vòng qua khu vực này.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/the-gioi/nghi-van-phong-khong-iran-ban-nham-may-bay-4040169.html?fbclid=IwAR2x3dogdykmw0yBWNZol9k3NRA1L0dXMXNQjIsxRGQKToLlBzEWhEBGCYQ