Thế giới

Người phụ nữ kết hôn rồi ly hôn 28 lần trong 2 năm để gian lận biển số xe

Người phụ nữ 37 tuổi tại Trung Quốc đã kết hôn và ly hôn 28 lần trong 2 năm qua để thực hiện chuyển nhượng biển số xe trót lọt.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh, để có biển số xe không phải là chuyện đơn giản. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách cấp giấy phép xổ số được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và ô nhiễm tại thành phố này.

Bởi vậy mà thực trạng kết hôn giả nhằm lấy biển số xe Bắc Kinh đã diễn ra trong thời gian dài. Kết hôn với một người may mắn có được biển số xe là lựa chọn của nhiều người, bởi những tấm biển không thể đem ra giao dịch nhưng có thể được sang tên từ vợ sang chồng và ngược lại.

Người phụ nữ kết hôn rồi ly hôn 28 lần trong 2 năm để gian lận biển số xe
Kết hôn giả để lấy được biển số xe Bắc Kinh được nhiều người lựa chọn.

Một chiến dịch đặc biệt đã được cảnh sát địa phương phát động nhằm xử lý tình trạng chuyển nhượng biển số xe trái phép. Chiến dịch khởi động từ 30/10, tính đến ngày 6/11, 166 nghi phạm đã bị bắt giữ. Trong đó, 124 người liên quan đến việc lừa đảo lấy hoặc mua biển số xe Bắc Kinh kèm theo giấy đăng ký kết hôn.

Trong số đó, đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp người phụ nữ họ Li (37 tuổi), bị phát hiện kết hôn và ly hôn 28 lần trong 2 năm qua để 23 lần thực hiện trót lọt việc chuyển nhượng biển số xe. Ngoài Li, người phụ nữ họ Bai (26 tuổi) cũng bị bắt giữ vì hành vi kết hôn và ly hôn 17 lần, chuyển nhượng thành công 15 biển số.

Những năm gần đây Bắc Kinh mạnh tay thực hiện nhiều quy định khắt khe nhằm hạn chế mật độ phương tiện cá nhân trong thành phố. Cứ 1 ngày trong tuần, chủ phương tiện đăng ký ở thành phố này lại bị cấm sử dụng xe của mình. Những xe không có biển số Bắc Kinh cũng chịu nhiều giới hạn nghiêm ngặt hơn khi lưu thông trong thành phố.

Người phụ nữ kết hôn rồi ly hôn 28 lần trong 2 năm để gian lận biển số xe - 1
Bắc Kinh áp dụng hình thức quay xổ số để trao quyền được mua ôtô, mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc, ô nhiễm.

Điều đó dẫn đến chuyện, người dân Bắc Kinh còn phải chơi trò may rủi là nộp đơn và quay xổ số để giành quyền được mua ôtô. Điều này đã tạo nên một hình thức lách luật mới. Nhiều người trả tiền để "thuê" quyền mua xe từ những người trúng xổ số này.

Vụ việc trên khiến dư luận Trung Quốc xôn xao vì số lần kết hôn và ly hôn trong một thời gian ngắn của những phụ nữ trẻ tuổi chỉ vì biển số xe. Bên cạnh đó, số khác cho rằng chính quyền nên xóa bỏ chính sách cấp biển số xe nghiêm ngặt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời hạn chế tình trạng lách luật.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)