Thế giới

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới

Phục vụ mục đích chính trị, kinh tế hay những lợi ích của cá nhân...nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân thường là các nhân vật nổi tiếng đã khiến dư luận và báo giới phải "ngã ngửa" khi biết đằng sau đó là cả một âm mưu được dày công sắp đặt.

'Chiếc ô giết người' ám sát nhà báo BBC như thế nào?

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới

Tối ngày 7/9/1978, Georgi Markov đang đứng chờ xe buýt tại cầu Waterloo để đến trụ sở là hãng tin BBC. Đột nhiên, một người đàn ông lạ mặt vượt lên từ phía sau và va vào Markov, cùng lúc, ông cảm thấy hơi nhói một chút ở bắp đùi. Người lạ mặt chỉ nói nhanh “Xin lỗi” sau đó chui vào taxi đi mất.

Markov không nghĩ ngợi gì nhiều vì cho rằng đó chỉ là một sự cố nho nhỏ và tiếp tục hành trình của mình. Ba ngày sau, Markov lên cơn sốt rất cao không rõ nguyên nhân và phải vào bệnh viện.

Ở đây, ông có nói với đội ngũ bác sĩ rằng ông tin mình bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga (KGB) đầu độc. Dù bác sĩ phụ trách trường hợp Markov là Bernard Riley đã cố gắng cứu chữa, song Georgi Markov đã không thể qua khỏi và tử vong vào ngày 11/9/1978.

Công tác khám nghiệm tử thi sau đó đưa ra kết luận rằng Markov tử vong do bị đầu độc bởi chất ricin tẩm trên một vật nhỏ như đầu kim găm vào bắp đùi. Các nhà điều tra đã lập tức vào cuộc sau đó, nhưng không một manh mối nào được tìm ra ngoài chiếc ô mà thủ phạm để lại hiện trường. 

Với vụ giết người đúng kiểu James Bond là một chiếc ô, người ta đồn đoán về sự liên can của KGB – cơ quan vốn nổi tiếng về khả năng chế tạo các vũ khí giết người ngụy trang. Và mối nghi ngờ đổ dồn vào Liên Xô, khi mà năm 1969, Georgi Markov xin ra khỏi Đảng Cộng sản vì những bất đồng chính kiến với chính phủ.

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới - 1

Những năm sau đó, Markov trở thành một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Mục tiêu trong các bài phê bình của ông thường là đất nước Liên Xô. Chương trình phát sóng hàng tuần trên Đài Châu Âu Tự do và BBC thường vạch ra những vụ việc mà ông cho là vi phạm nhân quyền cũng như cuộc sống khó khăn của người dân nước này.

Vụ điều tra của Georgi Markov rơi vào bế tắc suốt hơn 20 năm, khi các nhà điều tra không thể lần ra manh mối của thủ phạm. Mãi đến năm 1993, các nguồn tin của Cơ quan tình báo Anh MI6 cho biết có thể có sự liên quan của Cơ quan tình báo Bungary trong vụ việc này.

Lật giở lại vụ án, Anh cử các nhà điều tra tới Bungary trong vòng 2 tuần để phỏng vấn khoảng 40 nhân chứng cũng như tìm cách tiếp cận với các tài liệu từ phía Bungary. Các tài liệu mật bị rò rỉ của tình báo Bulgary hé lộ tên người đàn ông đã thực hiện phi vụ thủ tiêu này là Francesco Giullino, một người gốc Italy làm việc cho Cơ quan tình báo Bungary (DS) dưới vỏ bọc một doanh nhân Đan Mạch. 

Ngày 5/2/1993, Giullino đã bị các nhà điều tra Anh và Đan Mạch thẩm vấn trong vòng 11 tiếng đồng hồ sau những dấu hiệu cho thấy sự liên can của ông trong vụ việc. Trong cuộc thẩm vấn đó, Giullio thừa nhận là gián điệp của Bungary, song bác bỏ bất cứ sự liên quan nào đến cái chết của Markov. Vì Đan Mạch không có bằng chứng nào xác thực hơn, Giullino đã được thả.

Đến năm 2008, Anh lại mở lại vụ án này với sự phối hợp từ phía các nhà điều tra Bungary. Nhưng đến ngày 11/9/2013, Bungary thông báo chính thức khép lại vụ án do thời hạn điều tra đối với tội danh giết người theo luật pháp Bungary đã kết thúc. Trong khi đó, Sở Cảnh sát London cho biết vẫn tiếp tục để vụ án này dưới dạng hồ sơ mở bởi Anh không có quy định về thời hạn điều tra tối đa.

Sau đó, các nhà điều tra Anh đang tìm cách để thẩm vấn quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo Bungary khi đó là Vladimir Todorov, người đã bị phạt 10 tháng tù giam hồi năm 1991 do đã cho phép hủy một số tài liệu mật liên quan đến vụ việc của Markov.

Dù đã xuất hiện tên của kẻ tình nghi là điệp viên Piccadilly, nhưng gần 40 năm sau vụ ám sát, bí ẩn về người chủ mưu trong vụ ám sát nhà báo BBC vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Có thể người ta thấy bóng dáng của sự hợp tác giữa tình báo Liên Xô và tình báo Bungary, có thể người ta nhận ra sự tương đồng giữa cái chết của Markov với cái chết của Alexander Livitnenko, người đã bị sát hại tháng 11/2006 sau khi uống một tách trà có chưa chất phóng xạ polonium-210, song mọi giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết.

Một khi các nhà điều tra Anh không tìm ra chứng cứ xác thực, vụ ám sát Markov vẫn mãi là một trong những vụ án nổi tiếng nhất, bí ẩn nhất của lịch sử Chiến tranh Lạnh.

Tử vong do va chạm với người tham gia trò chơi thực tế

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới - 2

Tháng 2/2017, công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho chính là ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị sát hại tại sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA2).

Cụ thể, ngày 13/2, công dân Triều Tiên mang hộ chiếu dưới cái tên Kim Chol, 45 tuổi đã bị hai phụ nữ nước ngoài sát hại khi đang chuẩn bị đáp chuyến bay từ KLIA2 về Macau. Diễn biến của vụ việc sau đó được CCTV công bố cho thấy, ông Kim Chol đã chết trong khoảng 20 phút sau vụ tấn công.

9 giờ sáng ngày 13-2-2017, các camera an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) đã ghi lại cảnh Kim Jong-nam đang đi cách cổng khởi hành khoảng 40 mét. Ông ấy đang đi chậm chạp với chiếc túi du lịch màu đen treo trên vai.

Hai người phụ nữ đến gần ông Kim. Một trong số họ, mặc áo có tay, nói điều gì đó với ông ta và đi về phía trước bên trái của ông. Khi ông Kim quay lại đối mặt với cô, cô vươn tay về phía ông ấy.

Người phụ nữ khác mặc áo dài tay, tiến đến ông Kim từ phía sau và quàng tay quanh mặt anh. Mặc dù có vẻ như cô đang tinh nghịch che mắt ông, nhưng thật ra cô đang bôi một chất lỏng lên da ông (sau này cơ quan điều tra xác định đó chính là chất độc thần kinh VX).

Cuộc tấn công chỉ mất bốn giây. Những người khác trong khu vực không nhận thấy những gì đang xảy ra. Ông Kim đứng yên một lúc và hỏi ý kiến nhân viên sân bay gần đó. Sau khi được đưa đến cảnh sát, ông ta kể với họ về hai người phụ nữ và khai báo rằng ông đã bị bôi thứ gì đó vào mặt.

Sau đó, ông Kim đi về phía một trung tâm y tế ở tầng thấp tại sân bay, nhưng ông bắt đầu loạng choạng và yêu cầu các nhân viên cảnh sát đi cùng di chuyển chậm lại để có thể theo kịp. Mười một phút sau vụ tấn công, ông Kim đến trung tâm y tế. Theo các bác sĩ, ông Kim nói bị bôi một chất gì đó vào khuôn mặt của ông đang bị đau. Khi đó, ông vẫn có thể đứng một mình và mang cái túi màu đen bằng cánh tay phải.

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới - 3

Tuy nhiên, ông Kim đã sớm ngã gục bên cạnh quầy y tế, nôn ra máu và sùi bọt mép. Ông ta bất tỉnh và mắt trợn tròn, nước mắt và nước bọt trào ra liên tục. Tim ông yếu dần và độ bão hòa oxy trong máu giảm xuống dưới mức gần 40% so với mức bình thường là khoảng 90%.

Các bác sĩ đã tiêm adrenalin để trợ tim và giữ mặt nạ oxy trên mặt ông ấy. Ông Kim nghiến chặt răng, cơ thể ông bắt đầu co giật. Khi các bác sĩ lấy máu từ miệng ông Kim và đưa ống oxy vào, họ đã có thể ngửi thấy mùi axit dạ dày của ông ấy. Sau một giờ chăm sóc khẩn cấp, các bác sĩ đánh giá rằng họ không thể làm gì thêm cho ông ấy tại sân bay và quyết định chuyển ông bằng xe cứu thương đến một bệnh viện lớn. Trên đường đến bệnh viện, tim ông chỉ đập một lần và sau đó ông tử vong. Xe cứu thương đến bệnh viện sau khoảng 30 phút. Các bác sĩ đã xoa bóp tim và thực hiện các biện pháp khác, nhưng nhịp thở và nhịp đập của ông Kim không thể trở lại. Ông được tuyên bố là đã chết vào lúc 11 giờ sáng.

Mặc dù Đại sứ quán Triều Tiên nhấn mạnh rằng, nạn nhân đã chết vì một cơn đau tim và ông này từng có tiền sử bệnh lý liên quan, kết quả khám nghiệm tử thi của phía Malaysia lại cho thấy, người được cho là ông Kim Jong-nam bị giết bằng chất độc thần kinh VX – chất độc được Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cơ quan điều tra của Malaysia xác định, những nghi phạm liên quan đến giết người vẫn chưa dừng lại ở 2 nhân vật nữ tại sân bay. Đáng chú ý, trong số những người bị liệt vào “danh sách đen” của cảnh sát Malaysia còn bao gồm Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia Hyon Kwang-song.

Tuy nhiên, đến nay, mục đích thật sự của việc ám sát người em cùng cha khác mẹ với chủ tịch Kim Jong Un vẫn được coi là một bí ẩn.

Bí ẩn xung quanh cái chết của điệp viên Nga Alexander Litvinenko

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới - 4

Alexandr Litvinenko, cựu nhân viên Cơ quan an ninh Nga, đang sống tị nạn chính trị tại Anh thì qua đời tại Bệnh viện University College thủ đô London tối 23/11/2006.

Cho đến lúc Litvinenko chết tối 23/11, các bác sĩ và cảnh sát vẫn chưa đưa ra kết luận bệnh nhân bị đầu độc bằng chất gì. Nhận định về nguyên nhân gây tử vong cho Litvinenko là chất phóng xạ polonium-210 chỉ được cảnh sát đưa ra ngày hôm sau 24-11. Trước đó giả thiết chất độc là thalium từng được đưa ra và các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân theo hướng này, tuy nhiên sau đó đã dừng ngay phác đồ điều trị vì dự đoán về chất thalium đã bị các chuyên gia bác bỏ.

Vài ngày trước khi mất, ngay trên giường bệnh Litvinenko đã nhờ một người bạn ghi lại “tâm thư” của mình, trong đó cảm ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc, cảm ơn cảnh sát Anh đã tích cực điều tra vụ ông bị đầu độc, cảm ơn Chính phủ hoàng gia Anh đã quan tâm tới ông và cho phép ông được hưởng quyền công dân theo qui chế tị nạn. Đồng thời Litvinenko cũng lên tiếng buộc tội Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính quyền Nga chính là thế lực chủ mưu bức hại mình.

Sau khi Litvinenko mất, cảnh sát Anh đã ráo riết điều tra. Họ cho rằng Litvinenko đã bị đầu độc tối 1-11-2006 tại khách sạn Millenium Mayfair London bằng chất polonium-210, một loại phóng xạ cực kỳ hiếm và nguy hiểm. Chỉ nửa liều chất này với vi lượng 10 nanogram là đủ gây chết người nếu chất độc thâm nhập trực tiếp vào phổi, còn nếu qua đường tiêu hóa thì sẽ gây chết người ở liều lượng 50 nanogram.

Theo báo chí Anh, dấu vết polonium còn lưu lại trong tách trà dường như Litvinenko đã uống tối hôm đó khi gặp một vài người, trong số đó có thương gia người Nga Andrey Lugovoi. Cảnh sát cũng đã phát hiện dấu vết chất phóng xạ này tại hơn 10 địa điểm ở London và một số chuyến bay của Hãng hàng không Anh British Airways. Đây phần lớn là những địa điểm hay chuyến bay mà Lugovoi lưu lại trong thời gian ở London hay bay đến đây, trong đó có cả những địa điểm mà bản thân Litvinenko chưa từng đặt chân đến. Cũng có những địa điểm mà Litvinenko đã từng tới nhưng không có mặt Lugovoi.

Những vụ ám sát 'mạo danh' tai nạn nghiêm trọng từng gây bàng hoàng chính trường thế giới - 5

Trên giường bệnh, khi biết mình bị đầu độc, Litvinenko đã từng nói với bạn bè và người thân rằng ông nghi ngờ 3-4 người đã gặp hôm 1-11-2006. Cụ thể là Lugovoi và một người nữa cùng ông nói chuyện và uống trà tại khách sạn Millenium, Viacheslav Sokolenko cũng là người quen có chào nhau buổi tối hôm đó vì người này trú tại khách sạn Millenium (và cũng là người mà một số báo cho là “nhân vật thứ ba bí hiểm” có tên Vladimir mà Litvinenko nhắc đến).

Ngoài ra còn có thương nhân người Ý tên là Mario Skaramella, người cùng ông ăn tối tại một quán ăn Nhật ngay trước buổi gặp Lugovoi tại khách sạn Millenium. Lugovoi hẹn gặp Litvinenko về chuyện làm ăn (ông này hiện là doanh nhân và đang đứng đầu một công ty bảo vệ tư nhân). Gia đình Lugovoi cả vợ và con trai 5 tuổi lần này sang London chủ yếu là để xem trận bóng đá trong khuôn khổ cúp vô địch châu Âu là Arsenal và CSCK của Nga.

Sokolenko là bạn Lugovoi, cùng đi với gia đình ông này xem bóng đá và không có mặt trong buổi trò chuyện trong đó có “tách trà polonium” nói trên, mà chỉ đi ngang qua và “vẫy tay chào” nhóm người đang bàn chuyện. Còn doanh nhân người Ý Skaramella cũng là người quen lâu năm của Litvinenko, chủ động hẹn gặp Litvinenko để đưa cho ông này một danh sách mà theo nhiều nguồn tin, lúc thì được cho là ghi tên những người chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nữ nhà báo Nga Anna Politkovskaya tại Matxcơva trước đó, khi thì lại là “danh sách đen” có tên những người sẽ bị “thanh toán”, trong đó có tên cả hai người Litvinenko và Skaramella. Sau tối hôm đó về nhà, chưa kịp xem danh sách thì Litvinenko đã thấy choáng váng và ngã bệnh.

Từng có giả thuyết rằng A. Litvinenko đã tham gia vào việc chế tạo “bom bẩn” cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Vẫn theo nguồn tin của tờ Sunday Express, Giáo sư M. Scaramella từng cảnh báo với giới hữu trách Anh, rằng A. Litvinenko đã “tạo điều kiện” giúp mang lậu một kiện hàng phóng xạ từ Nga tới Zurich (Thụy Sĩ).

Còn cảnh sát Anh chính thức cho biết, là viên sĩ quan FSB A. Litvinenko đã chuyển tín ngưỡng sang đạo Hồi ít lâu trước khi chết. Thậm chí A. Litvinenko còn đọc kinh Koran lúc sắp hấp hối trong đêm 23-11-2006, đồng thời yêu cầu cô vợ Marina tiến hành tang lễ chôn cất mình theo nghi thức Hồi giáo. Liệu có phải chăng là ông ta đã có cảm tình với trào lưu “Thánh chiến” do tên trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden khởi xướng và tham gia các hoạt động buôn bán chất phóng xạ cho các tổ chức khủng bố này?

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nhung-vu-am-sat-mao-danh-tai-nan-nghiem-trong-tung-gay-bang-hoang-chinh-truong-the-gioi-d178149.html