Thế giới

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao'

Bắt đầu từ thế kỷ 16, các castrati (những chàng trai bị thiến) được các dàn hợp xướng sử dụng để thay thế cho phụ nữ. Nhưng trong khi chỉ một số người tìm thấy danh vọng và tiền tài, nhiều người khác phải chịu cảnh nghèo đói, tăm tối, sức khỏe bị tổn hại.

Thế kỷ XVIII, thính giả châu Âu phát cuồng vì giọng “nam thiến” trầm ngọt ngân dài vô hạn của Francesco Bernardi (1686 - 1758, Italia). Tuy nhiên, để đạt được cảnh giới giọng hát ngoài sức tưởng tượng này, Bernardi đã phải trả cái giá rất đắt từ thuở bé.

Cất giọng là kinh ngạc

Bernardi ra mắt thính giả Venice vào năm 1707, chỉ vừa mới cất giọng đã khiến mọi người kinh ngạc vì “giống hệt giọng nữ trầm mạnh mẽ, rõ ràng, đều đặn và ngọt ngào với sự nhấn nhá cũng như độ ngân hoàn hảo”. Từ Italia, danh tiếng của Bernardi vang dội khắp châu Âu. Năm 1717, tại Dresden (Đức), Bernardi được trả công trình diễn bằng số tiền lớn đến mức không ai dám tin là thật.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao'
Thiến là con đường tắt để theo đuổi sự nghiệp Castrato. Ảnh: Classicfm.com

Bí quyết thanh nhạc của Bernardi, trớ trêu thay, nó không đến từ kỹ năng hay sự tập luyện mà từ một cuộc phẫu thuật cưỡng ép được chính cha mẹ đồng thuận là… thiến. Năm 13 tuổi, khi đang là thành viên trong dàn hợp xướng của nhà thờ tại nơi sinh sống, Bernardi bị cha mẹ bí mật ép thiến để làm Castrato.

Castrato là giọng nam có âm vực và chất giọng giống như giọng nữ, thường là cao vút hoặc rất trầm. Nó được tạo ra bằng cách… thiến trước tuổi dậy thì, khiến dây thanh âm biến dị và giọng nói không bị vỡ do sự phát triển của sinh lý.

Theo phân tích y học, việc nam giới bị thiến trước tuổi dậy thì sẽ khiến nội tiết tố biến mất, không chỉ dẫn đến việc không thể trưởng thành về mặt sinh dục, mà còn tác động lên sự phát triển của dây thanh âm. Trung bình, chiều dài dây thanh âm của nam giới trước dậy thì là 17,35mm, còn khi trưởng thành là 28,92mm, tăng 63%.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao' - 1
Hàng ngàn bé trai bị thiến oan uổng bởi tham vọng của bậc sinh thành. Ảnh: Twitter.com

Sự xuất hiện của nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì chính là tác nhân tạo nên độ dày và dài của dây thanh âm, gây ra hiện tượng vỡ giọng. Thiến chặn đứng sự xuất hiện của nội tiết tố, khiến dây thanh âm của nam giới không chỉ mỏng, mà còn ngắn tương đương với dây thanh âm của nữ giới (trung bình chỉ 21,47mm).

Bên cạnh đó, việc thiếu nội tiết tố còn khiến xương của nam giới phát triển dài một cách bất thường, cuối cùng hình thành khung lồng ngực lớn, tạo khả năng giữ hơi lâu hơn người bình thường. Nhờ đó, Castrato có thể ngân cao vút hoặc ngân trầm rất dài. Đây là lợi thế vô cùng lớn trong hát opera, thể loại nhạc phổ biến nhất thời cận đại.

Hào quang dưới ánh đèn sân khấu

Alessandro Moreschi (1858 - 1922) được coi là castrato cuối cùng trình diễn trong dàn đồng ca Sistine Chapel tại Vatican. Một nhà nghiên cứu âm nhạc người Úc từng nghe nghệ sĩ này hát trực tiếp đã đánh giá rằng giọng của ông "có thể so sánh với sự tinh khiết và trong suốt của pha lê".

Để trở thành castrato, ngoài một số rất ít cậu bé bị trục trặc về giới tính, còn lại đều phải trải qua thủ thuật loại bỏ cơ quan sinh dục từ khi còn nhỏ. Với cấu trúc thanh quản tương tự như phụ nữ và dung tích phổi lớn của đàn ông, các castrato trưởng thành có thể hát tới những nốt cao đầy mạnh mẽ, thậm chí ngay cả nữ ca sĩ cũng khó có thể sánh nổi.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao' - 2
Ca sĩ 'nam thiến' điển hình bởi ngoại hình xinh trai và âm vực như giọng nữ. Ảnh: Classicfm.com

Castrato từng là những ông hoàng trên sân khấu một thời. Họ được quyền quyết định xem liệu đoạn nhạc đó có thực sự phô diễn được sự linh hoạt trong giọng hát của mình hay không. Nếu câu trả lời là không, họ sẽ tự ý thay đổi chúng ngay cả ở giữa buổi trình diễn, còn dàn nhạc luôn phải cố gắng bắt theo nhịp.

Theo Cecilia Bartoli, nữ ca sĩ chuyên hát nhạc dành cho những castrato, các nhà soạn nhạc thế kỷ XVII, XVIII không ngừng sáng tác những tác phẩm dành cho quãng giọng này, trong khi đó, phụ nữ lại bị cấm hát trong các nhà thờ và rạp hát. Các castrato trở thành những người thay thế lí tưởng. Điều đó giải thích vì sao họ có quyền làm mọi thứ mình thích trên sân khấu.

Nhiều castrato là những ca sĩ cực kỳ nổi tiếng ở châu Âu. Họ đã đi khắp lục địa, thường kiếm được những khoản thù lao khổng lồ cho những lần xuất hiện trong các vở opera. Hai trong số những castrato nổi tiếng nhất là Senesino, sinh năm 1686, và Farinelli, sinh năm 1705.

Senesino, nổi tiếng với sự hợp tác với nhà soạn nhạc Georg Frederick Handel, có thể kiếm được tới 3.000 bảng Anh mỗi năm. Với vai trò là "primo uomo" (ca sĩ chính) của công ty Handel và Học viện Âm nhạc Hoàng gia, Senesino đã hát trong 17 vai chính trên sân khấu London.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao' - 3
Castrato huyền thoại Farrinelli (giữa) và những người bạn.

Nhưng sau đó Farinelli đã làm lu mờ sự nổi tiếng của Senesino. Ông kiếm được 5.000 bảng Anh mỗi năm khi biểu diễn khắp châu Âu, và thậm chí còn được Nữ hoàng Elisabetta Farnese của Tây Ban Nha thuê với hy vọng chữa khỏi chứng trầm cảm cho chồng bà. Để có thêm 1.500 đồng guinea mỗi năm, Farinelli đã biểu diễn riêng cho Vua Philip V. Ông có thể đã phục vụ nhà vua trong suốt một thập kỷ.

Nhà soạn nhạc Johann Joachim Quantz đã ca ngợi tài năng của Farinelli, nhận xét về castrato nổi tiếng này: “Cách hát của ông ấy rất điêu luyện và khả năng trình diễn không có đối thủ... Ông hát allegro đầy lửa, và chuyển các quãng nhanh một cách rõ ràng và dễ chịu".

Một số castrato, như Senesino và Farinelli, đã có sự nghiệp lẫy lừng. Nhưng đại đa số castrato không bao giờ đạt được mức độ nổi tiếng như vậy. Và dù nổi tiếng hay không, các castrato sau này thường phải chịu đựng một số vấn đề sức khỏe liên quan đến việc họ bị thiến khi còn nhỏ.

Mặt tối của con đường trở thành castrati

Bị thiến khi còn trẻ không chỉ mang lại cho castrati những giọng hát hay. Nó cũng gây ra cho họ những vấn đề sức khỏe kéo dài suốt cuộc đời.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao' - 4
Dàn hợp xướng nhà nguyện Sistine năm 1898. Các ca sĩ castrati được đánh dấu bằng số đỏ.

Nhiều castrato có chiều cao ấn tượng, vì việc thiếu hormone thường đồng nghĩa "đĩa tăng trưởng" của họ không bao giờ đóng lại. Tình trạng này dẫn đến xương dài bất thường và có thể gây thêm căng thẳng cho các cơ quan nội tạng, cũng như chứng loãng xương khi họ có tuổi.

Các bộ phận khác trên cơ thể của một castrato cũng có thể phát triển to hơn bình thường, bao gồm ngực, hàm và mũi. (Điều này thực sự hữu ích, vì lồng ngực lớn có thể giúp ca sĩ tăng khả năng lấy hơi). Một nhà nghiên cứu nhận xét: “Hầu hết các castrato đều trở nên to và mập như những con gà trống thiến, với hông, mông, cánh tay và cổ tròn, mũm mĩm”.

Khi thi thể của Farinelli được khai quật vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng castrato này có các lóng xương dài và "sự tích tụ" xương trên trán. Đây là một tình trạng gọi là hyperostosis frontalis interna, thường ảnh hưởng đến phụ nữ và có thể gây đau đầu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Và quả thực, nhiều castrato đã bị trầm cảm khi họ già đi.

Nhưng đến thế kỷ 19, nhu cầu về castrati không còn cao nữa. Castrati bắt đầu biến mất vì một số lý do. Thứ nhất, phụ nữ đã được phép trở lại sân khấu vào thế kỷ 18. Mặt khác, thái độ của công chúng về việc thiến người đã thay đổi.

'Rùng mình' với bi kịch của những cậu bé Italia phải 'tịnh thân' để thành 'sao' - 5
Một bức chân dung của Alessandro Moreschi (vào khoảng năm 1900), người được cho là castrato cuối cùng. Ảnh: ATI

Triết gia Jean-Jacques Rousseau, vào năm 1779, đã lên án tục lệ này, gọi những bậc cha mẹ gửi con trai mình đi thiến là “những người vô nhân đạo, bỏ rơi con cái để mua vui cho những kẻ dâm đãng và độc ác".

Castrati thậm chí trở thành một nỗi xấu hổ ở Ý, và Giáo hoàng Pius X đã cấm sử dụng họ trong Nhà nguyện Sistine vào năm 1903. Lúc đó, một số castrato nổi tiếng nhất, bao gồm Girolami Crescentini và Giovanni Battista Velluti, đã nghỉ hưu từ lâu.

Nhưng castrato cuối cùng của Nhà nguyện Sistine, Alessandro Moreschi, đã không được nghỉ hưu hoàn toàn cho đến tận năm 1913. Được biết đến với biệt danh "Thiên thần của Rome", Moreschi qua đời vào năm 1921, sau khi một bản thu âm giọng hát của ông được thực hiện.

Mặc dù Moreschi không còn ở thời kỳ đỉnh cao ca hát, nhưng bản thu này đã mang đến một cái nhìn đầy ám ảnh về truyền thống castrato.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/rung-minh-voi-bi-kich-cua-nhung-cau-be-italia-phai-tinh-than-de-thanh-sao-d201883.html