Thế giới

Taliban thề cấm tiệt thứ 'hạt giống khủng bố', nhưng liệu Afghanistan có thể tồn tại nếu thiếu thứ này?

Ngay sau khi lên nắm quyền kiểm soát, phát ngôn viên của Taliban đã cam kết hứa chấm dứt ngành công nghiệp ma túy bất hợp pháp nhưng hái ra tiền ở Afghanistan.

Sản xuất ma túy bùng nổ ở Afghanistan những năm gần đây, mang về nguồn thu khổng lồ cho Taliban.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nhóm này sẽ phải vật lộn trong muôn vàn thách thức trong việc loại bỏ hoạt động buôn bán sinh lời này bất chấp lời hứa của họ sẽ làm như vậy.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tuần này, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cam kết: sẽ không có bất cứ chất ma túy nào được sản xuất. Từ nay đi, không ai được liên quan tới hoạt động buôn lậu ma túy.

Không ma túy, kiếm tiền mặt ở đâu?

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Afghanistan có thể tồn tại nếu không có ma túy, nhất là trong bối cảnh chính ngành nghiệp sản xuất ma túy bùng nổ những năm gần đây đã mang về nguồn thu khổng lồ cho Taliban.

Ngoài ra, nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt khổng lồ sau khi Mỹ đóng băng gần 9 tỷ USD tài sản của đất nước để ngăn nó rơi vào tay Taliban.

Có thể Taliban phải đấu tranh với chính mình rất nhiều, đặc biệt là nếu chính phủ mới không có quyền tiếp cận tương tự với nguồn dự trữ tài chính và viện trợ nước ngoài vốn đã giúp duy trì nền kinh tế mong manh của Afghanistan trong 2 thập kỷ qua.

Một số nhà tài trợ lớn, bao gồm cả Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã ngừng hỗ trợ cho Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong tuyên bố hôm 18/8, IMF tuyên bố sẽ đóng băng viện trợ cho Afghanistan trong bối cảnh không chắc chắn về việc công nhận chính phủ.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2020, các dòng tiền viện trợ chiếm 42,9% GDP 19,8 tỷ USD của Afghanistan. Ngoài tiền mặt, Taliban không còn nhiều quỹ khác để huy động - trong khi phần lớn dự trữ của đất nước đang bị đóng băng ở nước ngoài.

Mỹ trong tuần này đã đóng băng khoảng 9 tỷ USD tài sản thuộc DAB, Ngân hàng trung ương của quốc gia. Khoảng 7 tỷ USD trong số đó là của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, theo quan chức hàng đầu của DAB, Ajmal Ahmady, hiện đã bỏ chạy khỏi thủ đô Kabul khi Taliban nắm quyền kiểm soát. Chính quyền Biden cũng đã ngừng vận chuyển tiền mặt. Taliban vẫn nằm trong danh sách chỉ định trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.

Phần lớn thuốc phiện và bạch phiến trên thế giới đều đến từ Afghanistan. Trong đó, việc sản xuất và xuất khẩu tập trung ở các khu vực do Taliban kiểm soát, lực lượng đã đánh thuế nặng vào ma túy trong suốt 20 năm nổi dậy.

Jonathan Goodhand, một chuyên gia về buôn bán ma túy quốc tế tại Đại học SOAS London cho biết nguồn thu trên trở thành một nguồn lực quan trọng cho Taliban và lực lượng này chắc chắn sẽ phải đấu tranh với chính mình nếu từ bỏ nó.

Ông dự đoán: “Ma túy sẽ gây ra một loạt căng thẳng trong nội bộ nhóm mày”.

Theo ông, một mặt, họ muốn tạo ra hình ảnh ôn hòa, cởi mở hơn trong các cam kết với phương Tây và nhận ra rằng ma túy là một trong những cách làm điều này; nhưng mặt khác, bất cứ cuộc đàn áp nào cũng sẽ ảnh hưởng tới nông dân ở khu trung tâm chính trị của Taliban ở các tỉnh Helmand và Kandahar.

Taliban thề cấm tiệt thứ 'hạt giống khủng bố', nhưng liệu Afghanistan có thể tồn tại nếu thiếu thứ này?
Binh lính Mỹ tuần tra trên một cánh đồng hoa anh túc ở Afghanistan. Ảnh: Guardian

Taliban kiếm lợi khủng từ ma túy

Các quan chức Liên hợp quốc báo cáo, Taliban có thể kiếm được hơn 400 triệu USD từ năm 2018 - 2019 từ hoạt động buôn bán ma túy.

Theo báo cáo năm 2018 của Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Afghanistan (SIGAR), Taliban thu được tới 60% doanh thu hàng năm từ ma túy bất hợp pháp. Theo báo cáo năm 2020 từ một ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, việc tống tiền các doanh nghiệp cũng như thu tiền chuộc từ việc bắt cóc cũng mang lại thu nhập cho nhóm này.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nắm quyền kiểm soát Kabul, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid đã cầu xin cộng đồng quốc tế hỗ trợ để cung cấp cho nông dân các loại cây thay thế cho cây anh túc.

Lời kêu gọi viện trợ quốc tế này có thể khiến những nỗ lực của liên minh các lực lượng NATO, các tổ chức phi chính phủ và cả Liên hợp quốc trong 10 năm qua để phá bỏ sự phụ thuộc của Afghanistan vào việc trồng cây thuốc phiện trở nên vô ích.

Theo báo cáo của SIGAR năm 2018, Washington chi khoảng 8,6 tỷ USD từ năm 2002 đến năm 2017 trong nỗ lực chống buôn bán ma túy. Những nỗ lực đó bao gồm việc trả tiền cho nông dân để trồng lúa mì hoặc nghệ tây, đầu tư vào các liên kết giao thông, cũng như rải chất làm rụng lá cây trồng và đánh bom các cơ sở tinh chế.

Theo ước tính của chính phủ Mỹ và Afghanistan, ở mỗi bước, họ đều bị cản trở bởi các chiến binh Taliban.

Taliban thề cấm tiệt thứ 'hạt giống khủng bố', nhưng liệu Afghanistan có thể tồn tại nếu thiếu thứ này? - 1
Một cánh đồng trồng thuốc phiện ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Lời hứa khó thành hiện thực?

Hiện tại, Afghanistan là một trong số các quốc gia trồng và sản xuất thuốc phiện, bạch phiến lớn nhất thế giới. Quốc gia này gần như độc quyền về thuốc phiện và heroin, chiếm 80 đến 90% sản lượng toàn cầu, theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC).

Số lượng đất trồng cây anh túc tại nước này chạm mức cao kỷ lục vào năm 2017 và đạt mức trung bình khoảng 250.000 ha trong 4 năm qua, gần gấp 4 lần mức giai đoạn giữa những năm 1990.

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi trong tuyên bố hồi đầu tuần, phía Taliban tuyên bố Afghanistan sẽ là một "quốc gia không ma tuý" trong tương lai.

Đây không phải là lần đầu tiên nhóm theo chủ nghĩa chính thống tuyên bố chống lại ma túy. Việc sản xuất ma túy từng bị cấm vào năm 2001, ngay trước khi Taliban bị lật đổ bởi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu.

Gretchen Peters, tác giả cuốn sách "Hạt giống khủng bố: Ma túy mang về nguồn thu cho Taliban and Al-Qaeda như thế nào", cho rằng, lệnh cấm trồng cây thuốc phiện trước đây của Taliban là chiến thuật.

“Họ đã phải chịu áp lực quốc tế to lớn. Đó là một mưu đồ bởi vì họ đã tích trữ quá nhiều. Họ đã kiếm được một số tiền khổng lồ khi giá tăng gấp 10 lần", bà nói và nhấn mạnh thêm: “Taliban sẽ không thoát khỏi ma túy bởi vì họ quá ràng buộc với nó”.

“Afghanistan không thể tồn tại nếu không có thuốc phiện. Nó đang giết chết Afghanistan đồng thời cũng khiến một số lượng lớn người dân sống sót", Peters cho hay, đề cập đến thu nhập mà ngành công nghiệp này mang lại cho nông dân.

Bà giải thích, việc nắm quyền kiểm soát đất nước sẽ cho phép Taliban tiếp cận các hãng hàng không, bộ máy hành chính nhà nước và các ngân hàng để hỗ trợ hoạt động buôn lậu ma túy và rửa tiền.

"Tôi cho rằng họ sẽ khai thác nó", bà khẳng định.

Và chính sách về ma túy của chính phủ mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá heroin toàn cầu. Hậu quả là các nước phương Tây và những người nghiện thuốc phiện cũng như Nga, Iran, Pakistan và Trung Quốc trở thành những con đường buôn lậu chính và cũng là những thị trường khổng lồ cho ma túy đến từ Afghanistan.

Trong những năm gần đây, những kẻ buôn lậu cũng phát hiện ra một loại cây thường được tìm thấy ở Afghanistan có tên là ma hoàng, có thể được sử dụng để chế tạo thành phần chính của "ma túy đá".

Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/taliban-the-cam-tiet-thu-hat-giong-khung-bo-nhung-lieu-afghanistan-co-the-ton-tai-neu-thieu-thu-nay-161212208083018987.htm