Thế giới

Tin buồn tiêm kích T-50: Trễ hẹn và yếu về tàng hình

Theo TASS ngày 24/1, tiêm kích tàng hình T-50 của Nga sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong năm 2017 - trễ hẹn 1 năm so với kế hoạch.

Theo TASS ngày 24/1, tiêm kích tàng hình T-50 của Nga sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong năm 2017 - trễ hẹn 1 năm so với kế hoạch.

Thông tin này được TASS dẫn lời Tư lệnh Không quân Nga, tướng Viktor Bondarev cho biết. Theo đó, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm T-50 của Nga sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2017.

Ông Bondarev nói: “Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia trong năm nay. Chiến đấu cơ này sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2017”. Vị tướng này thêm về chiếc T-50 số 11, chiếc máy bay thử nghiệm cuối cùng đã hoàn thành được 60 - 70%.

Về chiếc T-50 bị cháy hồi đầu năm 2015 trong chuyến bay thử nghiệm, Tư lệnh Không quân Nga cho biết, đây là chiếc T-50 số 5 và máy bay đã cất cánh sau khi được sửa chữa, theo tướng Viktor Bondarev.

Như vậy, kế hoạch được ông Viktor Bondarev công bố đã chậm hơn kế hoạch ban đầu cũng do vị tướng này công bố đúng một năm. Theo RIA Novosti ngày 18/9/2015, Nga đã thử nghiệm tiêm kích tàng hình T-50 PAK FA lần cuối cùng tại căn cứ Ahtubinsk, vùng Astrakhan.

Ông Viktor Bondarev cho biết, sau đợt thử nghiệm này, từ năm 2016 những chiếc tiêm kích tàng hình T-50 đầu tiên sẽ chính thức phục vụ trong không quân Nga.

Lần thử nghiệm cuối này, những chiếc T-50 sẽ tham gia tập trận chiến đấu và bắn các loại vũ khí. Ông Bondarev nói với hãng tin RIA Novosti rằng máy bay T-50 được vi tính hoá toàn bộ, phi công chỉ theo dõi các quá trình hoạt động.

Tiêm kích T-50 đang bị nghi ngờ về khả năng tàng hình.

Và yếu về tàng hình?

Theo trang Foxtrotalpha ngày 20/8/2015, trên Twitter của Tập đoàn máy bay thống nhất Nga (UAC, trong đó có hãng Sukhoi) có 1 đồ hoạ về các vũ khí tầm xa mà T-50 sẽ trang bị, gồm tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa diệt hạm, bom… hầu hết đều là vũ khí có tầm bắn xa tối đa đến 400 km.

Với trường hợp T-50 được trang bị tên lửa Izdelie 810 (phiên bản của R-37M) tiêu diệt mục tiêu giá trị cao hoặc máy bay cảnh báo sớm AWACS ở cách xa 400 km, tên lửa hành trình Kh-35UE diệt hạm (bắn xa 260 km), tên lửa hành trình Kh-58UShKE diệt radar (bắn xa 245 km), tên lửa diệt hạm siêu âm BrahMos-NG (bắn xa 290 km)… Ba loại tên lửa bắn xa nhất này đều nằm trong khoang vũ khí trong bụng của T-50.

Việc PAK-FA mang các tên lửa tầm xa để diệt máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và cố gắng để ít bị radar đối phương phát hiện là điểm quan trọng của dòng máy bay này so với máy bay tàng hình của Mỹ và cả với máy bay tàng hình của Trung Quốc.

Thậm chí T-50 còn có ưu thế với khả năng tăng tốc (hành trình vượt tốc độ âm thanh (Mach 1) mà không cần dùng buồng đốt hai lần (afterburner, để giúp tăng tốc).

Trái lại, máy bay tàng hình Mỹ như F-22, F-35 chỉ dùng tên lửa không đối không loại AIM-120 AMRAAM và cả AIM-120D (mà cả tiêm kích đời cũ như F-15C cũng xài) có tầm bắn gần hơn máy bay Nga. Hơn nữa, máy bay Mỹ có nối mạng với hệ thống radar tầm xa từ các chiến hạm hay máy bay cảnh báo sớm có tầm bao quát hàng trăm km.

Máy bay tàng hình Mỹ cũng không mang theo tên lửa diệt radar hay tên lửa diệt hạm tầm xa như của T-50, nghĩa là máy bay Mỹ có thể bay đến gần mục tiêu mà không bị phát hiện hơn là máy bay tàng hình của Nga.

Điều này cũng có nghĩa là máy bay tàng hình của Nga phải phụ thuộc vào vũ khí tầm xa khi tấn công đối phương ở khoảng cách xa thay vì đến gần, do khả năng tàng hình của nó yếu kém hơn máy bay Mỹ.

Tầm tác chiến xa của vũ khí là rất quan trọng với Nga hơn là Mỹ và NATO, vì phương Tây lệ thuộc vào các hệ thống cánh báo sớm và quan sát từ xa. Còn các nhà thiết kế PAK-FA T-50 đã tìm cách khắc phục điểm yếu về tàng hình của dòng máy bay này bằng cách trang bị vũ khí tầm xa cho nó, qua đó gia tăng sức mạnh của máy bay và giảm thiểu nhược điểm về tàng hình.

Video tiêm kích T-50 phô diễn sức mạnh

>> Nga lùi thời điểm sử dụng máy bay tiêm kích Sukhoi T-50
>> F-22 của Mỹ và T-50 PAK-FA của Nga: Ai hơn ai?
>> Sukhoi PAK FA T-50: Siêu phẩm “mình đầy tuyệt kỹ” của Nga
Theo Chúc Sơn (Đất Việt)