Thế giới

Tinh thần dân tộc bao phủ phát biểu nhậm chức của TT Trump

Bài diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là đầy tinh thần dân tộc và cả sự giận giữ trước tầng lớp nhà giàu trong xã hội Mỹ.

Các sử gia và nhà phân tích đánh giá bài phát biểu u ám và giận giữ một cách khác thường so với những người tiền nhiệm nhưng lại không khác nhiều với quan điểm xưa nay cũng như cách ông đã chinh phục cử tri để bước vào Nhà Trắng.

"Đó là một phát biểu rất Trump, hung hãn nhiều hơn là châm biếm, một bài phát biểu sẽ làm nức lòng người ủng hộ và gây lo ngại cho người chỉ trích",Wall Street Journal dẫn lời Peter Wehner, người từng làm việc ở Nhà Trắng và giám sát các bài phát biểu của cựu tổng thống George W. Bush, nói.

Tinh than dan toc bao phu phat bieu nham chuc cua TT Trump hinh anh 1
Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1. Diễn văn nhậm chức thường khắc họa một phần nào chương trình nghị sự của một tổng thống mới. 

Nước Mỹ không thân thiện

Tác giả Kevin Baker trên New York Times nhận định bài phát biểu của Trump đã mở ra một kỷ nguyên của nước Mỹ không còn thân thiện. Tổng thống mới tuyên bố rằng ông sẽ đặt "nước Mỹ lên trên hết" bằng cách khiến mọi người "mua của người Mỹ và thuê người Mỹ".

Trong phút chốc, các quốc gia khác trên thế giới trở thành những kẻ ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ, những kẻ sử dụng tài nguyên của nước Mỹ để bảo vệ biên giới của họ trong khi bỏ lơ biên giới Mỹ.

"Mọi quyết định về giao thương, thuế, nhập cư, chính sách đối ngoại sẽ được đưa ra dựa trên lợi ích của tầng lớp lao động và các gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự cướp bóc của những nước đã giành sản xuất hàng hóa của chúng ta, lấy đi các công ty của chúng ta và phá hủy công ăn việc làm của chúng ta".

"Chúng ta bảo vệ đường biên giới của những quốc gia khác mà từ chối bảo vệ chính mình. Và chúng ta dành hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở Mỹ mục rữa và thối nát", Tổng thống Trump nói.

Wall Street Journal gọi diễn văn của ông Trump là một trong những phát biểu nhậm chức u ám nhất mọi thời đại, nơi ông tiếp tục phát họa hình ảnh một nước Mỹ đang đi xuống trong khi mình là người bảo vệ những "người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên".

"Cuộc tàn phá nước Mỹ phải chấm dứt ngay lúc này đây", ông sử dùng từ "tàn phá", những chữ vốn chưa từng xuất hiện trong các phát biểu nhậm chức của tổng thống Mỹ.

Tinh thần dân tộc phủ kín

Theo phân tích ngôn ngữ của Wall Street Journal, 58% nội dung bài phát biểu của Tổng thống Trump nói về tinh thần dân tộc, tỷ lệ cao nhất kể từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan đến nay. "Chúng tôi", "chúng ta" chiếm 10% bài viết, cao hơn diễn văn nhậm chức của cả 3 người tiền nhiệm của ông.

Donald Trump cũng là tổng thống có bài phát biểu nhậm chức "Mỹ" nhất, khi ông dùng từ này hơn 30 lần, nhiều hơn mọi tổng thống Mỹ từng nói.

Cũng trong bài phát biểu của ông Trump, lần đầu tiên những cụm từ như "nước Mỹ trên hết" và "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" được sử dụng. 

Bài phát biểu được viết chủ yếu bởi Steve Bannon và Stephen Miller, 2 cố vấn cao cấp của ông Trump. Họ không giấu giếm ý đồ của mình. "Tôi không nghĩ nước Mỹ từng có bài phát biểu tương tự như vậy kể từ thời của Andrew Jackson. Gốc rễ sâu xa của nó chính là lòng yêu nước", Bannon cho biết.

Cựu tổng thống Andrew Jackson nhậm chức năm 1828 sau một phong trào dân túy tương tự ông Trump. Khi đó, ông là tổng thống đầu tiên không đến từ Virginia hoặc Massachusetts. Bây giờ, Donald Trump trở thành tổng thống khi không hề có chút kinh nghiệm chính trị nào.

"Đó là một lời tuyên bố thẳng thừng về các giá trị cốt lõi của ông ấy đối với phong trào dân tộc và dân túy", cố vấn của tổng thống mới cho biết.

Tinh than dan toc bao phu phat bieu nham chuc cua TT Trump hinh anh 2
Dù sau lưng mình là rất nhiều nhân vật quyền lực của hệ thống chính trị Mỹ, tổng thống mới vẫn không ngưng chỉ trích giới tinh hoa. 

Tuyên chiến với Washington D.C.

Bài phát biểu của Trump cũng đầy tính dân túy khi ông mở đầu bằng việc gọi buổi lễ nhậm chức của mình "không chỉ là sự chuyển giao quyền lực từ một chính quyền, một đảng phái sang chính quyền, đảng phái khác, chúng ta còn đang lấy lại quyền lực từ thủ đô Washington D.C. và trả về cho nhân dân".

"Điều quan trọng không phải đảng nào cầm quyền mà là việc chính quyền có phải do nhân dân kiểm soát hay không. Ngày 20/1/2017 sẽ đánh dấu thời điểm người dân trở lại nắm quyền ở đất nước này", tân tổng thống tuyên bố.

Quan điểm này của Tổng thống Trump phù hợp những gì ông đã tuyên bố suốt chiến dịch tranh cử. Sự ủng hộ dành cho Trump thể hiện sự ngao ngán của cử tri với giới tinh hoa chính trị tại Washington D.C. cũng như việc hai đảng lớn luôn chống đối nhau.

"Đã từ rất lâu rồi một nhóm nhỏ ở thủ đô nước ta đã giành lấy hoa thơm trái ngọt trong khi người dân chịu thiệt thòi. Washington, D.C. hưng thịnh nhưng người dân không được hưởng lợi từ đó", tổng thống mới của nước Mỹ "tuyên chiến" với Washington.

Tuy nhiên, ông Trump cũng được đánh giá cao khi đề cập đến những đứa trẻ dù sinh ra ở "vùng đô thị hiện đại ở Detroit hay vùng đồng bằng lộng gió ở Nebraska" đều có cơ hội ngang nhau. 

"Chúng đều nhìn lên cùng một bầu trời đêm, lấp đầy trái tim mình với cùng một giấc mơ và cùng được truyền hơi thở từ đấng tạo hóa toàn năng", ông nói.

"Có hai nhóm người khác nhau - những người bỏ phiếu cho Trump, và những người không. Ông ấy đã hứa sẽ chiến đấu cho cả hai nhóm", Marc Thiessen, cũng là người phụ trách diễn văn cho cựu tổng thống Bush, nhận xét.

Theo Phương Thảo (Zing.vn)