Thế giới

TQ tăng chi quốc phòng thấp nhất 6 năm để xoa dịu láng giềng

Một trong những lý do khiến Trung Quốc tăng chi quốc phòng 2016 ở mức khiêm tốn được cho là để xoa dịu các nước láng giềng sau những căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Một trong những lý do khiến Trung Quốc tăng chi quốc phòng 2016 ở mức khiêm tốn được cho là để xoa dịu các nước láng giềng sau những căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Harbin (112) của Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận năm 2014.

Ngày 5/3, chính phủ Trung Quốc thông báo tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng năm 2016 thêm 7,6 % lên hơn 950 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD). Đây là mức tăng thấp nhất trong 6 năm và thấp hơn mức tăng hai con số trong nhiều năm qua.

Theo người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh, mức tăng phản ánh nhu cầu quốc phòng của đất nước cũng như tình trạng nền kinh tế và doanh thu tài chính.

Năm ngoái, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 10%, lên khoảng 136 tỷ USD. Con số này năm 2014 là 12,2 %. Từ năm 2005 đến năm 2014, ngân sách quân sự chính thức của Trung Quốc tăng trung bình 9,5 % mỗi năm.

Xoa dịu các nước láng giềng

Quyết định giảm chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ bởi những diễn biến trên thực địa cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh âm mưu bành trướng ở Biển Đông và sẵn sàng đối mặt tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Theo Christian Science Monitor, chi tiêu quân sự thấp không có nghĩa Trung Quốc từ bỏ khả năng tự vệ. Dù có kế hoạch cắt giảm 300.000 quân nhân từ năm 2017, Trung Quốc vẫn là quốc gia có quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với 2 triệu binh sĩ.

Giáo sư Andrew Erickson của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định với Wall Street Journal rằng, quyết định ngân sách của Trung Quốc cho thấy nước này đang đứng giữa ranh giới mong manh giữa bội chi và duy trì kiểm soát quân sự. “Số liệu quốc phòng mới nhất cho thấy Bắc Kinh quyết tâm tránh mở rộng quá mức quy mô quân đội theo kiểu Liên Xô, song vẫn tập trung nâng cao năng lực nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông nói.

Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc tăng chi quân sự ở mức tương đối khiêm tốn là động thái nhằm xoa dịu các nước láng giềng, đặc biệt là với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), về âm mưu của Bắc Kinh trên Biển Đông. "Các nước này là trọng tâm của ngoại giao Trung Quốc trong khu vực", Jin nói.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A. Ảnh: China News

Khó khăn kinh tế

Trong khi đó, Ni Lexiong, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Thượng Hải, nhận định, diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến nước này giảm chi tiêu quốc phòng.

Đồng quan điểm này, Xu Guangyu, tướng về hưu và hiện là cố vấn cấp cao của Hiệp hội giải trừ và kiểm soát vũ khí do chính phủ Trung Quốc điều hành, cho rằng: "Toàn bộ nền kinh tế đang phát triển chậm lại, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn so với trước đây. Chi tiêu quân sự, ngân sách quốc phòng phải phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP".

Trung tá Dennis J. Blasko, tướng Mỹ về hưu đồng thời là tác giả cuốn Quân đội Trung Quốc ngày nay, nhận định: "Chi tiêu quốc phòng hàng năm của Trung Quốc thường phù hợp với GDP cùng tình hình lạm phát. Mức tăng một con số năm 2016 là phù hợp với công thức đó".

Theo New York Times, GDP của Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất của gã khổng lồ châu Á trong 25 năm qua. Các chuyên gia kinh tế và quan chức không lạc quan hơn về con số này trong năm nay. Họ dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại.

Ưu tiên các vấn đề xã hội

Trong khi đó, giáo sư Jin cho rằng lý do Trung Quốc giảm chi tiêu quân sự còn có thể xuất phát từ các vấn đề xã hội. "Nền kinh tế khó khăn khiến chính phủ Trung Quốc phải ưu tiên cho phúc lợi xã hội", ông Jin nhận định với Times.

Giáo sư Jin cho rằng, những lo ngại trong nước đã tác động tới mức chi tiêu quốc phòng 2016. Ông cho biết, Bắc Kinh đang thực hiện lời hứa tăng chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo trước sự suy thoái của nền kinh tế. "Bây giờ không phải là thời điểm hợp lý để tăng ngân sách quân sự", ông này nói.

Thu nhập công của Trung Quốc năm 2015 tăng 5,8%, nhiều hơn 3 điểm phần trăm so với năm trước đó. Tuy nhiên, chính phủ phải đối mặt với chi phí tăng cho dịch vụ chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội và các chi tiêu dân sự.

Phản ánh quá trình hiện đại hóa thiết bị quân sự

Trong khi đó, tướng Xu cho rằng, mức giảm chi tiêu quốc phòng của nền kinh tế thứ 2 thế giới phản ánh sự suy giảm tạm thời trong quá trình hiện đại hóa thiết bị quân sự. "Phát triển và sản xuất vũ khí cùng trang thiết bị diễn biến theo một chu kỳ nhất định. Nó dao động và không phải là một đường thẳng", ông Xu nói và dự đoán tốc độ sẽ tăng trở lại trong những năm tới.

Theo Xu, khi công nghệ vũ khí phát triển, chi tiêu quân sự cho lĩnh vực này cũng có thể tăng. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này dự định tài trợ cho một dự án an ninh mạng, cũng như lực lượng không quân và hải quân dựa trên lực lượng mặt đất truyền thống.

Một nghiên cứu của tập đoàn chuyên phân tích quốc phòng Rand Corp. (Mỹ) năm ngoái đã chỉ rõ những điểm yếu trong quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cùng năng lực quân sự của nước này.

Theo Hải Anh (Zing.vn)