Thể thao

Bài học cho bóng đá Việt Nam từ chuyện Indonesia

Được ca tụng lên "chín tầng mây" rồi lập tức bị chê trách, đó là "quy luật" mà các HLV bóng đá phải chấp nhận

Đội tuyển xứ vạn đảo đã thua Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, trong trận đấu mà lẽ ra Indonesia phải thắng để nuôi hy vọng lấy vé dự World Cup

Bóng đá Việt Nam cũng có thể rút ra được nhiều điều cho riêng mình qua hành trình của đội tuyển xứ vạn đảo.

Trung Quốc vẫn đẳng cấp

Trung Quốc đã vượt qua trong một trận đấu mà 2 đội đều muốn thắng. Trung Quốc thua 3 trận liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, trong khi Indonesia hòa liên tiếp 3 trận. Trong đó, Indonesia hòa 2 trận trước đối thủ mạnh Ả Rập Saudi 1-1 và Úc 0-0, cùng trận hòa 1-1 trong thế thắng trước đội chủ nhà Bahrain.

Thời điểm này, nền bóng đá Trung Quốc đang chao đảo, sa sút khi có vài CLB ở Giải Vô địch quốc gia phải giải thể. Không ít CLB nợ lương cầu thủ do mất khả năng cân đối tài chính. Nhiều quan chức bóng đá Trung Quốc phải đi tù do tham nhũng, dàn xếp tỉ số… Vì vậy, không ít người đánh giá rất thấp đội tuyển bóng đá Trung Quốc.

Bài học cho bóng đá Việt Nam từ chuyện Indonesia
Giấc mơ dự World Cup của bóng đá Indonesia vẫn còn xa vời. (Ảnh: REUTERS)

Thực tế, đội Indonesia hoàn toàn bế tắc trước lối đá chắc chắn của các tuyển thủ Trung Quốc. Trận thắng 2-1 của đội Trung Quốc hoàn toàn xứng đáng. Trung Quốc thắng trong một sân vận động vẫn đầy ắp khán giả mặc áo đỏ - màu trang phục thi đấu của đội tuyển. Khán giả vẫn cổ vũ nồng nhiệt, bất chấp thực trạng bi quan của nền bóng đá nước nhà cũng như đội tuyển quốc gia. Hình ảnh này cho thấy chính tình yêu của người hâm mộ đã nhân đôi sức mạnh cho các cầu thủ Trung Quốc khi đối đầu với đội Indonesia đang hừng hực khí thế.

Hình ảnh tiền đạo Zhang Yuning khóc khi nâng tỉ số lên 2-0 thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng vượt qua sức ép để khẳng định mình, cho thấy đẳng cấp của bóng đá Trung Quốc vẫn còn đó. Bóng đá Trung Quốc hiện nay dù có sa sút song vẫn trên một bậc so với bóng đá Đông Nam Á.

"Quy luật" của HLV

HLV Shin Tae-yong đã sử dụng 9 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát ở 2 trận hòa Ả Rập Saudi, Úc và 10 người trong trận hòa Bahrain. Thế là nổi lên làn sóng chỉ trích chiến lược nhập tịch của chính phủ và LĐBĐ Indonesia (PSSI), rằng cách dùng người của HLV Shin Tae-yong sẽ giết chết các tài năng trẻ của bóng đá Indonesia.

Phải chăng do làn sóng này mà thay vì có thể sử dụng hết 11 cầu thủ nhập tịch ở đội hình xuất phát, ông Shin chỉ dùng 9 và có 4 sự thay đổi? Trong đó, 2 cầu thủ nội là tiền vệ tấn công Witan Sulaeman và hậu vệ biên Asnawi Mangkualam. HLV này cũng trao băng thủ quân cho Asnawi để cho thấy đội trưởng đội tuyển quốc gia vẫn là cầu thủ 100% Indonesia.

Tuy nhiên, sau trận thua, truyền thông Indonesia lại đưa ra lý do vì HLV Shin Tae-yong thay đổi đội hình đến 4 vị trí. Trong đó, 2 vị trí yếu phải thay ra từ đầu hiệp 2 và một trong số đó là tiền vệ Sulaeman người Indonesia, tiếp đến thủ quân Asnawi cũng phải rời sân.

Được ca tụng lên "chín tầng mây" rồi lập tức bị chê trách, đó là "quy luật" mà các HLV bóng đá phải chấp nhận. Khi thất bại, có những điều có thể đúng vẫn bị cho là sai! Dù kiểm soát bóng đến 74% và mọi chỉ số sút bóng, phạt góc đều vượt trội so với Trung Quốc nhưng Indonesia vẫn thua.

Bóng đá Việt Nam: Khi nào "đỉnh hẹp hơn đáy"?

Lãnh đạo bóng đá Indonesia đã có bước đột phá với chiến lược nhập tịch cùng việc kiên định tin dùng HLV Shin Tae-yong trong hành trình hướng đến chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026.

Chiến lược nhập tịch của Indonesia được xây dựng song song với kế hoạch phát triển bóng đá trẻ ở cấp U17, U19. Nhập tịch cầu thủ là chiến lược dài hạn nhưng không phải trọng tâm. Các kế hoạch phát triển đào tạo trẻ, HLV và giải quốc nội mới là nền tảng cho sự phát triển dài lâu và bền vững cho bóng đá Indonesia.

Với Thái Lan, từ khi Madam Pang trở thành Chủ tịch LĐBĐ, bà đã tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển cơ bản của cả hệ thống bóng đá, từ học đường, phong trào cho đến chuyên nghiệp, từ trẻ cho đến đỉnh cao. Bà cũng khuyến khích các cầu thủ tài năng ra nước ngoài thi đấu để nâng cao trình độ chuyên môn.

Trong khi đó, chưa thấy lãnh đạo bóng đá Việt Nam đã và sẽ làm gì trước sự quay lưng của người hâm mộ cũng như đà trượt dốc không phanh toàn diện từ đội tuyển quốc gia cho đến các đội tuyển trẻ hiện nay. Đáng lo hơn, hiện hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam vẫn là hình tháp ngược - "đỉnh rộng hơn đáy". Người hâm mộ vẫn chưa thấy bóng đá Việt Nam có giải pháp khả thi nào khôi phục mô hình hình tháp bình thường mà bóng đá chuyên nghiệp thế giới đang áp dụng - "đỉnh hẹp hơn đáy". 

Thống kê cho thấy bóng đá ngày nay phải hiệu quả mới đem lại chiến thắng. Thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn, đá đẹp hơn nhưng không chiến thắng thì cũng như không.

Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/bai-hoc-cho-bong-da-viet-nam-tu-chuyen-indonesia-196241017203854883.htm