Video

Đi vào chỗ người dân phơi thóc, nam sinh gặp tai nạn, tử vong thương tâm

Sự việc một lần nữa làm dấy lên tranh luận đường trước nhà thì người dân có được phơi thóc hay không.

Ngày 1/10 vừa qua, cư dân mạng xôn xao chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh 2 em học sinh khi đi ngang quang đoạn đường bị người dân chiếm dụng để phơi thóc thì bị tai nạn.

Cụ thể, do vướng vào khu vực phơi thóc nên chiếc xe điện cùng 2 em bị ngã ra đường dù đi với tốc độ khá chậm. Tuy nhiên đúng lúc đó một xe máy phía sau đi lên với tốc độ cao đã đè qua người 2 em khiến một nạn nhân tử vong tại chỗ.

Dù nhiều người cho rằng một phần cũng do các em học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm, nhưng đa số cư dân mạng cho rằng lỗi lớn thuộc về hộ gia đình đã lấn chiếm đường phố làm khu vực phơi thóc.

Về chuyện có hay không việc xử phạt những gia đình phơi thóc như trong đoạn video, theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nghiêm cấm hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ.

Theo điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định:

"Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ."

Về xử lý hình sự: Trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

"Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm".

Đồng thời, nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị phạt tù tuỳ theo các mức độ như sau:

" Thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a. Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm

b. Làm chết 02 người

c. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d. Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng".

Hoặc: "Thuộc một trong các trường hợp sau có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a. Làm chết 03 người trở lên;

b. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d. Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người có hành vi chiếm dụng lòng đường phơi nông sản gây tai nạn còn có trách nhiệm bồi thường dân sự những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/di-vao-cho-nguoi-dan-phoi-thoc-nam-sinh-gap-tai-nan-tu-vong-thuong-tam-d186060.html