Video

Hiện trường cầu Ghềnh sau 3 ngày cứu hộ, tìm kiếm

Sau 3 ngày cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập, công tác cứu hộ, tìm kiếm diễn ra liên tục. Tuy nhiên, đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa tiến hành trục vớt nhịp cầu bị chìm.

Sau 3 ngày cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập, công tác cứu hộ, tìm kiếm diễn ra liên tục. Tuy nhiên, đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa tiến hành trục vớt nhịp cầu bị chìm.
Hiện trường cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai sau ba ngày bị sập.
 
Chiếc sà lan mắc kẹt tại nhịp cầu bị chìm một phần xuống sông ở thời điểm gây tai nạn. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn.
 
Lực lượng cứu hộ đã điều động 4 ca nô đến hiện trường, khoanh vùng và tìm kiếm những người nghi còn đang mất tích khi bị rớt khỏi cầu. Một số ca nô tiếp cận phần nhịp cầu bị chìm để trục vớt, đưa những chiếc xe máy của nạn nhân bị mắc lại lên bờ.
 
Các nhịp cầu rơi xuống kéo theo hệ thống dây điện chạy qua cầu cùng bị hư hại, dây cáp đứt, các cột điện hai bên bị nghiêng. Ngành điện lực nhanh chóng tiến hành tháo dỡ dây cáp để tránh đổ cột điện.
 
Hàng chục công nhân điện lực được điều động cắt dây cáp trên các nhịp cầu, kéo những giây điện mắc lại trên cầu, dưới sông.
 
Hệ thống dây cáp điện qua cầu được tháo dỡ, ống nước sinh hoạt của người dân chạy qua cũng được bịt kín trong ngày.
 
Trong cuối buổi chiều 20/3, hàng chục ca nô và chiến sĩ của lực lượng cứu hộ, CSGT đường thủy Công an Đồng Nai, TP HCM được huy động để tìm kiếm cứu nạn và phong tỏa đường thủy qua khu vực này.
 
Tổ công tác thuộc Bộ Công an đến thị sát hiện trường và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Lực lượng người nhái được điều động đến hiện trường, lặn vào sà lan lật úp để tìm kiếm nạn nhân.
 
Đến 18h cùng ngày, do tác động của thủy triều, chiếc sà lan trôi tự do về phía hạ nguồn. Để ngăn phương tiện này va đập vào chân cầu đường bộ Bửu Hòa, nhà chức trách phải huy động đầu kéo để đưa sà lan neo đậu tại bờ sông xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), cách cầu Ghềnh 50 m.
 
Sau khi chiếc sà lan trôi được kéo lại, cano cứu hộ và người nhái tập trung tại điểm nhịp cầu rơi để tiếp tục lặn tìm đến.
 
4 chiếc cano cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC TP HCM chụm lại vào nhau trong thời điểm nước thủy triều chảy xiết để người nhái lặn xuống vị trí trụ cầu bị đâm sập.
 
Trong ngày 21/3, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp cùng Công an TP HCM, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức xử lý sự cố. Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ cứu nạn kết hợp cùng nhóm thợ lặn đã xác định được vị trí đầu đẩy sà lan tông sập chiếc cầu nằm dưới đáy sông ngay gần trụ cầu.
 
Lực lượng CSGT đường thủy liên tục tuần tra cả ngày đêm ở hai hướng để điều tiết giao thông, ngăn phương tiện tàu thuyền đi vào khu vực này.
 
Thiết bị quét 3D đáy sông được các kỹ sư của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng, kỹ thuật biển (TP HCM) được đưa đến hiện trường để phục vụ công tác cứu hộ.
 
Thiết bị nặng gần 80 kg được móc vào cáp treo, sau đó thả xuống nước để quay, chụp đáy sông. Theo nhóm vận hành, hình ảnh đáy sông được ghi nhận sẽ góp phần xác định vị trí các hạng mục cầu bị chìm, vị trí sà lan để lực lượng cứu hộ đưa ra phương án trục vớt hiệu quả.
 
Thiết bị sẽ truyền hình ảnh màu về màn hình vi tính chuyên dụng đặt trên thuyền. Kết quả cuộc khảo sát bằng máy quét sẽ là cơ sở quan trọng trong việc lên phương án trục vớt dầm cầu đã chìm dưới nước.
 
Bản vẽ thô được lực lượng tìm kiếm phác họa sau khi dùng máy quét xác định được vị trí cũng như hiện trạng cây cầu ở dưới nước. Phấn mố cầu bị gãy, một nhịp cầu bị chìm và nhịp khác bị chìm hẳn.
 
Trong ngày 22/3, các kỹ sư của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng, kỹ thuật biển tiếp tục thuê ghe nhỏ của ngư dân gắn thiết bị quét 3D để xác định lại hiện trạng nhằm đưa ra kết luận cho việc thông thuyền qua cầu sâu vào ngày hôm sau. Cũng trong ngày, tại TP HCM, Bộ GTVT tiếp tục họp bàn về các phương án trục vớt cầu Ghềnh và khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian sớm nhất.
 

Sự cố sập cầu qua ba ngày đã khiến nhiều thuyền, sà lan bị mắc kẹt hai hướng khi không được di chuyển qua đây. Sáng 23/3, theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đơn vị này phối hợp các cơ quan liên quan thông luồng trên sông Đồng Nai. Do vướng các hạng mục cầu chìm nên nhà chức trách thông luồng tại khoang thuyền phụ (khoang số 4) của cầu Gềnh phía Bửu Hòa. Tại đây, các phương tiện có tải trọng dưới 400 tấn được đi qua dưới sự dẫn dắt của lực lượng CSGT. Thời gian lưu thông được quy định từ 6h-18h hàng ngày.

 

Sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.

Ngày 21/3, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ Phan Thế Thượng (63 tuổi, chủ tàu đẩy sà lan), Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) để phục vụ điều tra.

Trong đó Giang và Lẹ được xác định không có giấy phép lái tàu nhưng đã đứng ra lái tàu đẩy sà lan 800 tấn từ Cát Lái (Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên TP Biên Hòa. Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên họ để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 làm 2 nhịp đổ sập xuống sông.

 
Theo Lê Quân (Zing.vn)