Xã hội

Ai sẽ bồi thường thiệt hại trong vụ nổ lớn ở Hà Đông?

Theo luật sư, do chủ cơ sở buôn phế liệu đã chết nên những người được hưởng thừa kế của anh Cường sẽ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Theo luật sư, do chủ cơ sở buôn phế liệu đã chết nên những người được hưởng thừa kế của anh Cường sẽ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Theo Công an Hà Nội, nguyên nhân vụ nổ chiều 19/3 tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông), do anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, Nam Định - chủ cơ sở mua bán phế liệu) dùng đèn khò cắt một khối kim loại hình trụ gây ra. Vụ việc khiến anh Cường và 3 người khác đi ngang qua tử vong, nhiều người bị thương, hơn 130 căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại tài sản.

Người gây ra vụ nổ đã chết, ai sẽ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Vụ nổ làm hơn 130 căn nhà bị hư hỏng. Ảnh: Tùng Lâm.


Trả lời việc này, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật Bross và cộng sự) cho biết, Điều 604 Bộ luật Dân sự quy định: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó".

Chiểu theo luật, anh Cường và những người có liên quan (nếu có) tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vật gây nổ, gây ra thiệt hại sẽ phải liên đới bồi thường về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho những người bị hại.

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong vụ việc này, do anh Cường đã chết nên luật quy định những người hưởng thừa kế của chủ cơ sở buôn bán phế liệu sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho những người bị thiệt hại, trong phạm vi di sản anh Cường để lại.

Với những nạn nhân, bị hại có tham gia bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng và tài sản, thì quyền lợi bảo hiểm của họ sẽ được giải quyết theo thỏa thuận với bên nhận bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo luật sư, các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ là các vũ khí quân dụng được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, được sửa đổi, bổ sung năm 2013.
 
Hành vi cố ý tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các vũ khí quân dụng nêu trên đều là trái pháp luật, có thể bị xử lý hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Bộ luật hình sự với hình phạt tù từ một năm đến chung thân.

Nếu các cơ quan chức năng kết luận khối kim loại hình trụ phát nổ là bom, và những người có liên quan (người bán, mua, vận chuyển, tàng trữ) biết đó là bom nhưng vẫn cố ý thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép, gây ra vụ nổ thì họ đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, theo Bộ luật hình sự.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, trong vụ việc này, ông Cường - người trực tiếp dùng đèn khò để cắt quả nổ đã chết, nên cơ quan điều tra sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm của những người khác có liên quan sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh sự việc của các cơ quan chức năng.
 
Khoảng 15h10 ngày 19/3, vụ nổ kinh hoàng xảy ra phía ngoài cơ sở thu mua phế liệu ở số 15 TT19 khu đô thị Văn Phú, khi anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê Nam Định) cắt phá khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông nhô ra, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.

Vụ nổ khiến anh Cường và 3 người qua đường tử vong, 10 người khác bị thương và làm hư hai hơn 100 căn hộ cùng một số phương tiện, đổ đạc.

Khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom, mìn. Theo kết quả giám định sơ bộ của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.

Danh tính 3 người tử nạn còn lại được xác định là Bùi Chí Quân (53 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) và hai mẹ con chị Đào Thị Toản (31 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) và Đào Thị Quỳnh (7 tuổi).

>> Hai nạn nhân vụ "nổ như bom" ở Hà Đông đang nguy kịch
>> Vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông: Nạn nhân đã 3 lần cưa vật liệu dạng bom?
>> Vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông: "Con ơi, cháu ơi về với bà!"
>> Vụ nổ lớn ở Hà Đông: Vợ nạn nhân vật vã bên phần thi thể còn sót lại của chồng
>> Nổ lớn tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, 6 người chết
>> Vụ nổ lớn ở Văn Phú, Hà Đông tạo hố sâu trên vỉa hè

Theo Việt Đức (Zing.vn)