Có ý kiến cho rằng, bởi lẽ chỉ đạo cách chức của Bí thư Thăng chưa được thực hiện là vì người có thẩm quyền cách chức trưởng phòng TNMT huyện Hóc Môn không phải là Bí thư Thăng.
Có ý kiến cho rằng, bởi lẽ chỉ đạo cách chức của Bí thư Thăng chưa được thực hiện là vì người có thẩm quyền cách chức trưởng phòng TNMT huyện Hóc Môn không phải là Bí thư Thăng.

Tuy nhiên, đã hơn một tháng qua sau chỉ đạo cách chức trưởng phòng TNMT, vị cán bộ này vẫn tại vị. Có ý kiến cho rằng, bởi lẽ chỉ đạo cách chức của Bí thư Thăng chưa được thực hiện là vì người có thẩm quyền cách chức trưởng phòng TNMT huyện Hóc Môn không phải là Bí thư Thăng.

Chia sẻ về vấn đề này với PV, luật gia Nguyễn Trung Tín (TP. HCM) đã có những nhận định thẳng thắn.

PV: Thưa ông! Dưới góc độ về quản lý cũng như quy định của pháp luật bí thư Đinh La Thăng có thẩm quyền yêu cầu cách chức cán bộ huyện không?

Hiện nay, Đảng với vai trò lãnh đạo nhà nước và nhân dân; định hướng, hoạch định chính sách và đường lối phát triển đất nước. Theo đó, tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện quy định: “Việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, cho từ chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định theo quy định của pháp luật”.
 
Bí thư Thăng yêu cầu cách chức trưởng phòng: Cần xét đến thẩm quyền - Ảnh 1

Bí thư Đinh La Thăng (giữa) trong buổi làm việc với cử tri huyện Hóc Môn.

Từ quy định trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Trên nguyên tắc lãnh đạo và quản lý theo chiều dọc hiện nay, Bí thư Thăng là người đứng đầu tại TP. Hồ Chí Minh do đó ông có quyền đưa ra ý kiến, yêu cầu để cách chức một ai đó. Tuy nhiên, người có thẩm quyền ký quyết định xử lý kỷ luật trong trường hợp này, phải là Chủ tịch UBND cấp huyện chứ không phải đích thân ông Bí thư TP.HCM làm việc này.

Cụ thể, Bí thư Đinh La Thăng hoàn toàn có yêu cầu cách chức ông Trần Quang Duy – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hóc Môn và người có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật là Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn.

PV: Vâng, ông có thể nói rõ về những vi phạm nào khi cán bộ vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức?

Hiểu cho đúng theo tinh thần của pháp luật, tại khoản 7 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cách chức “là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.”

Tuy nhiên, không phải hành vi vi phạm nào cũng bị cách chức, mà phải thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 sau đây:

“a) Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;

c) Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;

d) Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.”

PV: Luật gia có thể chia sẻ về quy trình xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật được quy định như thế nào?

Quy trình xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức được quy định cụ thể tại Điều 16, Điều 17, Điều 19, Điều 20 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Đối với trường hợp cách chức cán bộ sẽ phải trải qua các bước cơ bản sau:

+ Thứ nhất: Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức (chủ tịch huyện) phải ra thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật;

+ Thứ hai: Phải tổ chức họp kiểm điểm, trong đó cán bộ công chức vi phạm phải làm bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có vi phạm);

+ Thứ ba: Thành lập Hội đồng kỷ luật và họp Hội đồng kỷ luật (trừ một số trường hợp không phải lập Hội đồng kỷ luật tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 34/2011/NĐ-CP);

+ Thứ tư: Ra quyết định kỷ luật.

PV: Như vậy, có phải là luật đang vênh với thực tiễn?

Có thể nói, những hành động quyết liệt, triệt để của Bí thư Thăng đã phần nào chỉnh đốn phong cách làm việc có phần quan liêu của một số ít cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước, ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, quy định của luật nhiều khi chưa bắt kịp thực tiễn, dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong việc áp dụng pháp luật. Trên thực tế, nhiều cá nhân đồng tình với đề nghị cách chức vị Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hóc Môn của ông Thăng. Nhưng khi áp dụng quy định của pháp luật để ra quyết định thì lại thiếu cơ sở pháp lý. Vì vậy, nếu vị Trưởng phòng kia không có một trong các hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 13 Luật Cán bộ, công chứ năm 2008 nêu trên thì rất khó để xử lý.

Tôi hy vọng, trong thời gian tới Luật sẽ khắc phục những khiếm khuyết này, để tạo ra sự hài lòng cho chính những người làm luật và người thực thi pháp luật, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Theo Nhất Phiến - Hằng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)