Dự thảo Luật Phòng không nhân dân đã bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác.
Phân cấp thẩm quyền cấp phép bay
Chiều 30/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Báo cáo tiếp thu giải trình liên quan đến cấp phép bay đối với tàu bay không người lái , phương tiện bay khác, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh - cho biết có một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị phân định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong đăng ký cấp phép; giao thẩm quyền cho địa phương để quản lý thuận lợi trên từng khu vực bầu trời.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Dự thảo luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Theo ông Lê Tấn Tới, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với loại hình này.
Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại phương tiện, độ cao, tính chất hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
Dự thảo cũng bổ sung Bộ Công an cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an và phải thông báo cho Bộ Quốc phòng biết để quản lý vùng trời theo quy định.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5000 m” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phòng chống địch tấn công đường không sẽ có nhiều lực lượng cùng tham gia, không chỉ phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân mà còn có nhiều lực lượng khác. Do đó, việc phối hợp giữa các lực lượng là rất cần thiết, đảm bảo hiệu quả trong tác chiến, phòng thủ.
Trên cơ sở ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.
Người lao động khi tham gia được hưởng chế độ thế nào?
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đề nghị thể hiện rõ nội hàm phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt, cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị bổ sung quy định về hoạt động và nhiệm vụ phòng không nhân dân trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh. Theo đại biểu, quy định này để phân định rõ với hoạt động chỉ đạo, nhiệm vụ phòng không nhân dân trong thời bình.
Quan tâm đến chế độ, chính sách, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề: Người lao động tại doanh nghiệp khi tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ như thế nào? Chủ thể nào sẽ chi trả cho họ? Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền công, tiền lương cho họ trong thời gian tham gia hoạt động phòng không nhân dân hay không?
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị quy định theo hướng: Khi người lao động tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên tiền lương, tiền công, các phúc lợi khác và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả.
Cuối phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo chất lượng trước khi được Quốc hội xem xét thông qua.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)