Xã hội

Bộ trưởng Nội vụ: Kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng để cảnh báo cán bộ đương chức

Đăng đàn chiều 16/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận hàng loạt chất vấn về tình trạng “chọn người nhà, không tuyển người tài”, bổ nhiệm ồ ạt khi chuyển giao nhiệm kỳ, quy trình kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng...

Đăng đàn chiều 16/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận hàng loạt chất vấn về tình trạng “chọn người nhà, không tuyển người tài”, bổ nhiệm ồ ạt khi chuyển giao nhiệm kỳ, quy trình kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng...
resized-Bo-truong-Bo-Noi-vu-Le-5505-4964

Nghị trường trong phiên chất vấn chiều 16/11.


Nhiều câu hỏi "nóng"

33 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành Nội vụ, trong đó đại biểu Hoàng Thanh Tùng nêu chất vấn liên quan đến việc kỷ luật hành chính cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, "đề nghị Bộ trưởng cho biết đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ hình thức nào?".

Đại biểu Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi về tình hình thi tuyển chức danh vụ trưởng, vụ phó ở các bộ ngành vừa qua; kết quả thi tuyển hiệu trưởng đại học Luật Hà Nội?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là tốt, nhưng lâu nay dư luận phản ánh nhiều nơi cụm từ "đúng quy trình" bị lợi dụng làm “rèm che” cho tình trạng chọn người nhà, không chọn người tài, Bộ Nội vụ có giải pháp nào?

Chất vấn về tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Lê Thị Nga cho hay đã gửi câu hỏi bằng văn bản cách đây 4 tháng mà chưa nhận được trả lời, vậy có hay không việc bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn vào cuối nhiệm kỳ?

Kiểm tra việc bổ nhiệm người nhà ở 9 địa phương

Trả lời chất vấn về tình trạng “chọn người nhà, không chọn người tài”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng giao Bộ kiểm tra, Bộ đã có báo cáo việc bổ nhiệm người nhà ở 9 địa phương. Qua báo cáo, Bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các UBND các tỉnh khi bổ nhiệm phải đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Việc tuyển dụng cần công khai minh bạch và cũng đề nghị những trường hợp bổ nhiệm không đúng phải rút lại.

"Kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng là vấn đề khó"

Trả lời đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Ban bí thư đã cắt chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, đó là kỷ luật Đảng, việc kỷ luật hành chính là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý hành chính, qua đó thể hiện quyết tâm chính trị “ai đó dù nghỉ hưu nhưng nếu có vi phạm thì không có chuyện hạ cánh an toàn”, đồng thời cũng để cảnh báo những cán bộ đương chức.

“Không phải nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước”, ông Tân nói và cho biết tới đây Bộ sẽ rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật cán bộ, công chức để bổ sung những quy định về xử lý kỷ luật cán bộ hưu trí, “tạo hành lang pháp lý xử lý các trường hợp về sau”. Trong quá trình chưa sửa đổi thì có văn bản phù hợp với quy định pháp luật để xử lý các trường hợp trước mắt.

Clip Bộ trưởng Nội vụ trả lời việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng

Hiện tượng bổ nhiệm nhiều vào cuối nhiệm kỳ

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga về vấn đề có hay không tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ ở nhiều bộ ngành, ông Lê Vĩnh Tân cho hay Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo trong tháng 9 và tháng 10 gửi Thủ tướng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ Nội vụ cần lấy mốc từ 1/1/2015 đến 30/6 để rà soát, thống kê vấn đề này, do đó Bộ Nội vụ đang tập hợp dữ liệu, khi có số liệu đầy đủ sẽ báo cáo với Quốc hội.

Thông tin sơ bộ, người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định “hiện tượng bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có”, tuy nhiên đó là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới và có đúng tiêu chuẩn, quy hoạch hay không thì cần thời gian làm rõ. Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra vấn đề này, đặc biệt trong năm 2017 nhằm chấn chỉnh kỷ luật trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ. 

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn nói bà đã chất vấn bằng văn bản cách đây 4 tháng, sao Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng mà không gửi báo cáo cho người chất vấn? Hơn nữa thời gian 4 tháng lẽ ra đã đủ cho Bộ Nội vụ thanh tra một số điểm nóng mà dư luận, báo chí phản ánh tình trạng bổ nhiệm ồ ạt thời gian qua.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Nga, ông Tân "hứa" ngày mai sẽ gửi báo cáo sơ bộ về bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ cho bà Nga.

LE-Thi-Nga-Thai-Nguyen-2-JPG-4819-147928

Đại biểu Lê Thị Nga, Thái Nguyên.


Tinh giản biên chế quá chậm

Phản hồi ý kiến đại biểu trước thực tế lâu nay chi thường xuyên trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức rất lớn trong khi bộ máy cồng kềnh, Bộ trưởng Tân thừa nhận “đúng là bộ máy còn rườm rà, số lượng công chức, viên chức đông” trong khi khả năng chi trả lương của ngân sách thấp.

Công việc này rất khó, để giải quyết Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp sẽ vào cuộc thẩm định theo hướng kiên quyết thu gọn đầu mối, đặc biệt là hạn chế thành lập các Tổng cục, giảm bớt bộ máy bên trong các bộ.

Đại biểu Lê Quân đánh giá lộ trình tinh giản biên chế diễn ra quá chậm. 

Bộ trưởng Tân cho rằng tinh giản biên chế là chủ trương lớn thực hiện 2 năm qua, thể hiện quyết tâm chính trị cao, tuy nhiên cơ cấu lại tổ chức cũng là vấn đề cần quan tâm khi tinh giản. “Nếu không cơ cấu lại thì không thực hiện được tinh giản biên chế”, ông Tân nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ, giảm gánh nặng Nhà nước trả lương. Bộ đã cam kết với Thủ tướng bình quân mỗi năm giảm 1,5%; trừ các ngành giáo dục, y tế sẽ xem xét thận trọng.

"Rút kinh nghiệm những lần trước, đề nghị lãnh đạo địa phương, bộ ngành ủng hộ Bộ kiên quyết thực hiện chủ trương này. Đây cũng là biện pháp để cải cách tiền lương", ông Tân nói.

Lương cơ sở mới đảm bảo 50% mức sống tối thiểu

Trả lời một số câu hỏi về cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ điểm lại, năm 2013, lương cơ sở là 1,15 triệu đồng/tháng, hai năm sau đó không tăng. Năm 2016, lương cơ sở tăng lên 1,21 triệu (tăng 7%). Theo lộ trình, năm 2017 sẽ tăng lên 1,4 triệu đồng thì mới phù hợp để “trả nợ” cho những năm không tăng và tăng thấp, song do bội chi ngân sách quá lớn nên lương cơ sở năm 2017 chỉ tăng lên 1,3 triệu đồng.

“Lương cơ sở mới đảm bảo gần 50% mức sống tối thiểu cho cán bộ, công chức. Theo tính toán, mức đảm bảo phải là 3,3 triệu đồng”, ông cho hay.

BT-bo-Noi-Vu-Le-Vinh-Tan-1-9610-14792872

Kiên quyết xử lý "công chức đánh người "

Chất vấn Bộ trưởng câu hỏi "dễ", ông Nguyễn Sỹ Cương hỏi quan điểm về việc “một số cán bộ, công chức còn là công bộc của dân hay không khi đánh người, đánh nhà báo như vừa qua?”.

Ông Tân hồi đáp, quản lý cán bộ công chức là nhiệm vụ quan trọng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, nếu không đủ tiêu chuẩn thì loại ngay ra khỏi bộ máy. “Cần có thái độ dứt khoát. Công chức vi phạm pháp luật có những hành động như đại biểu nêu thì cần kiên quyết xử lý làm gương”, người đứng đầu ngành nội vụ thể hiện thái độ cương quyết.

Tiến tới thi tuyển 90% công chức

Nhiều đại biểu chung bức xúc về việc “thi tuyển công chức ở bộ ngành, địa phương chỉ là hình thức, chủ yếu tuyển dụng người nhà lãnh đạo”. Bộ trưởng Tân nói đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm rõ vì sao thi tuyển chỉ đạt 10%, xét tuyển lại đông. Sắp tới Bộ mở rộng thi tuyển, đẩy mạnh công khai, minh bạch, tiến tới đưa tỷ lệ thi tuyển lên 90%, còn xét tuyển chỉ 10%. "Cố gắng khuyến khích tuyển sinh viên mới ra trường” ông Tân phát biểu và cho hay sẽ siết xét tuyển, đảm bảo chọn đúng người tài, không tuyển người nhà.

Đại biểu Đinh Văn Luận phản ánh nhiều địa phương khi tuyển dụng yêu cầu phải có hộ khẩu địa phương trong khi không có quy định nào về việc này. Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, Luật không hạn chế địa giới hành chính tuyển cán bộ công chức, viên chức. Địa phương làm sai phải nhanh chóng khắc phục ngay. "Không phân biệt địa giới hành chính cũng là một trong những cách thức để tuyển người tài", ông Tân nhấn mạnh.

Đề cập thêm về quy trình bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận "còn nhiều khoảng hở", do vậy Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các cấp; khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng yêu cầu, tiêu chuẩn mà không ai chịu trách nhiệm.

"Nơi nào đủ điều kiện đổi mới tuyển chọn cán bộ thì làm công khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm", ông chia sẻ.

Tranh luận lại việc Bộ trưởng "hứa" đẩy mạnh thi tuyển công chức, ông Nguyễn Sĩ Cương nói: “Việc thi tuyển diễn ra thế nào khi Bộ trưởng ở địa phương (ông Tân là cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - PV) cũng đã biết, mỗi lần có việc tuyển dụng là thư từ, điện thoại... Việc thi tuyển lâu nay không mang lại kết quả dù có thanh tra. Khi mọi việc đã an bài thì thanh tra chỉ là hãn hữu. Ông Cương cũng đề nghị Bộ trưởng phải có giải pháp hữu hiệu trả lời đại biểu, chứ không chỉ dẫn báo cáo, tài liệu.

sicuong-7262-1479294298.jpg

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương.


Cuối giờ chiều, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm quản lý cán bộ khi để ông Trịnh Xuân Thanh dễ dàng bỏ trốn? Quốc hội có động thái gì với cựu Bộ trưởng cũng là cựu đại biểu Quốc hội Vũ Huy Hoàng?”.

Do thời gian làm việc đã hết, các câu hỏi "nóng" trên đây dự kiến được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp trong phần trả lời chất vấn sáng mai.

HUY-5349-8267-1479291739.jpg

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ tiếp tục trả lời chất vấn vào sáng mai.

Tới cuối phiên làm việc chiều, 35 đại biểu đã đặt câu hỏi. Sáng 17/11, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có khoảng 20 phút hồi đáp đại biểu, trước khi Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là lần đầu tiên, các thành viên Chính phủ khóa mới trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Trải qua 2 ngày làm việc, cùng với Bộ trưởng Nội vụ, bốn tư lệnh ngành công thương, tài nguyên môi trường và giáo dục là các ông Trần Tuấn Anh, Trần Hồng Hà và Phùng Xuân Nhạ đã trả lời nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Theo VnExpress.net