Xã hội

Cân nhắc cấm phương tiện qua hầm Thủ Thiêm lúc đêm khuya

Sau vụ tai nạn xảy ra trong hầm Thủ Thiêm, trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đang tính chuyện cấm luôn cả ôtô lưu thông qua hầm trong thời gian vệ sinh hầm vào đêm khuya.

Sau vụ tai nạn xảy ra trong hầm Thủ Thiêm, trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đang tính chuyện cấm luôn cả ôtô lưu thông qua hầm trong thời gian vệ sinh hầm vào đêm khuya.

Tối 20/4, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT TP HCM), cho biết trung tâm đã thăm hỏi và hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình công nhân Phương và 4 người khác đang phải nằm viện điều trị.

Trao đổi về công tác bảo trì, vệ sinh hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm - pv), ông Trung cho biết công việc vệ sinh hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn được trung tâm thực hiện hàng đêm.

Diễn tập cứu nạn trong hầm Thủ Thiêm tháng 10/2015. Ảnh: Hải An.


 Trong thời gian thực hiện công việc, trung tâm đã cấm xe máy lưu thông qua hầm từ 22h đến 5h sáng ngày hôm sau, xe ô tô chỉ được chạy 1 làn đường giữa, có bảng chỉ dẫn, biển báo rất cụ thể, chi tiết. Vụ tai nạn xảy ra khuya 19/4 là sự cố đáng tiếc khi xe tải không giữ khoảng cách, mất lái, xoay ngang đúng vị trí nhóm công nhân đang làm vệ sinh hầm.

Ông Trung cho biết thêm, công nghệ vệ sinh hầm hiện nay được trung tâm áp dụng dựa trên công nghệ quản lý hầm đường bộ của Nhật. Đó là vừa kết hợp cơ giới và nhóm công nhân làm bằng thủ công.

Thời gian qua, trung tâm đã có chuyến đi thực tế học tập công tác quản lý, bảo dưỡng, hầm đường bộ ở Pháp cũng như đã học tập ở hầm Hải Vân (Đà Nẵng). Trung tâm cũng từng có ý tưởng đề xuất dùng cơ giới hóa toàn bộ để thực hiện công việc vệ sinh đường hầm, tuy nhiên dù cơ giới hóa thì vẫn có con người điều khiển. Ở các nước hầu hết đường hầm chỉ cho xe ôtô lưu thông, còn ở TP HCM có cả xe máy nên áp dụng như họ rất khó.

Ông Trung thông tin, qua sự việc này, Trung tâm quản lý hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn đang tính toán, nghiên cứu, đề xuất cấm cả 3 làn đường mỗi chiều (tức là cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua hầm) trong thời gian làm vệ sinh, bảo trì đường hầm.

"Dự định là vậy tuy nhiên thực hiện đều này rất khó, vì người dân ai cũng muốn lưu thông, việc cấm theo giờ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của bà con. Thực ra cấm 2 làn như hiện nay, cho phép lưu thông 1 làn đối với ôtô cũng đảm bảo sự an toàn nhất định. Sự cố tai nạn khuya 19/5 là điều không may mắn khi tài xế ôtô phanh gấp, đi khoảng cách quá gần ôtô", ông Trung nói.

Đánh giá về nguyên nhân vụ tai nạn vừa xảy ra, ông Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết theo quy định khoảng cách giữa 2 ôtô khi lưu thông qua hầm là phải trên 30 m. Tuy nhiên theo camera quay lại, chiếc xe tải gây tai nạn chạy quá gần xe ôtô trắng 4 chỗ phía trước, dẫn đến khi xe ôtô phanh gấp, tài xế xe tải cũng phanh theo, mất tay lái, khiến đầu xe xoay ngang đúng vào vị trí nhóm thi công dọn vệ sinh đường hầm. 

Vị trí hầm Thủ Thiêm.
 
 

Khuya 19/4, khi 5 nam công nhân đang dọn dẹp, vệ sinh bên trong hầm Thủ Thiêm, xe tải loại 1,5 tấn biển số TP HCM chạy cùng hướng đã tông phải các biển cảnh báo từ xa. Khi vừa qua cửa hầm khoảng 300 m, xe tải tiếp tục húc văng xe nước cùng 5 công nhân đang làm việc.


Trong số các nạn nhân, anh Phạm Thanh Phong (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị xe tải tông trực diện đã tử vong.

>> Đêm kinh hoàng của 5 nhân viên vệ sinh hầm Thủ Thiêm
>> Tai nạn trong hầm Thủ Thiêm, 1 người chết, 4 người bị thương

Theo Phước Tuần (Zing.vn)