Xã hội

Chấm dứt việc khai thác mỏ sắt khiến dân mất ruộng

Do khai thác mỏ quặng sắt không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm hư đường giao thông, lấp ruộng nương, một doanh nghiệp khai khoáng đã bị nhà chức trách Quảng Trị từ chối cấp phép mới.

Do khai thác mỏ quặng sắt không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm hư đường giao thông, lấp ruộng nương, một doanh nghiệp khai khoáng đã bị nhà chức trách Quảng Trị từ chối cấp phép mới.

Đơn vị khai thác quặng sắt được yêu cầu hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Ảnh: Hoàng Táo

Ngày 8/3, Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Trị cho biết, vừa có văn bản từ chối cấp giấy phép thăm dò và khai thác quặng sắt tại thôn Làng Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, theo yêu cầu cấp mới giấy phép của Công ty Cổ phần công nghiệp thương mại và dịch vụ Hoành Sơn.

Trong năm 2015, doanh nghiệp này tổ chức khai thác quặng sắt nhưng không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, không san lấp lại ví trí đã khai thác.

Quan trọng hơn, các vật liệu phế phẩm, bùn đất đổ về đã san lấp gần 25 ha ruộng lúa của người dân. Quá trình vận chuyển quặng còn khiến đường giao thông nối xã Hướng Sơn với trung tâm bị sạt lở, không đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở Tài nguyên Quảng Trị cho hay đã yêu cầu đơn vị này lập thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác theo quy định, đồng thời di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực quặng sắt ở thôn Làng Hồ.

Việc khai thác quặng sắt khiến 25 ha ruộng của người dân bị bồi lấp, phải bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Táo

Việc doanh nghiệp khai thác quặng sắt làm ruộng lúa bị bồi lấp khiến nhiều người dân thôn Làng Hồ lo lắng về cái ăn trong dịp giáp hạt tháng 5 đến. “Ở vùng rừng núi, có được mảnh ruộng thật hiếm hoi và quý giá”, anh Hồ Văn Sang (35 tuổi xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) có 0,5 ha ruộng bị bồi lấp cho hay. Vụ đông xuân này, anh Sang phải bỏ hoang một phần ruộng và vẫn chưa biết lấy gì để bù đắp.

Đến nay, anh Sang và những hộ dân khác vẫn chưa nhận được hỗ trợ hay đền bù từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, những người dân này chỉ mong muốn doanh nghiệp "trả lại ruộng cho bà con có cái ăn lâu dài, chứ không cần hỗ trợ hay đền bù".

Theo Hoàng Táo (VnExpress.net)