Xã hội

Đề xuất chi 491 tỷ 'hồi sinh' cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng hợp đồng BOT

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý ở TP.HCM được đề xuất bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thi công trở lại sau khi dừng hợp đồng BOT và bị ‘đội giá’ gần 180 tỷ đồng.

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo HĐND TP về đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư hơn 491,6 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Đề xuất chi 491 tỷ 'hồi sinh' cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng hợp đồng BOT
Mô phỏng thiết kế cầu Tân Kỳ- Tân Quý sau khi hoàn thành

Theo Sở GTVT, trước đó, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc theo phụ lục hợp đồng được ký với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO vào năm 2018. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1.

Công trình được khởi công quý I/2018, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Trong đó, xây cầu dài 82,9m vượt qua kênh Tham Lương và rộng 16m cho 4 làn xe lưu thông, lề bộ hành rộng 1,5m, đường vào cầu có tổng chiều dài 224,8m. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, dự án đã tạm dừng thi công do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp thực hiện hoàn thành thời điểm lúc đó đạt 70% công trình. 

Đến tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước đã khuyến cáo việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ -Tân Quý để thu phí trên quốc lộ 1 không thích hợp với lợi ích của nhà đầu tư và của người sử dụng. Đồng thời, theo Nghị quyết số 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới. 

Sau đó, các sở ngành TP đã rà soát, tiến hành đàm phán và chấm dứt phụ lục hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư.

Đề xuất chi 491 tỷ 'hồi sinh' cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng hợp đồng BOT - 1
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý dừng thi công đến nay đã gần 4 năm. Hiện xung quanh dự án bị rào chắn, nhiều đoạn bê tông lồi lõm, sắt thép ngổn ngang, gỉ sét do phơi nắng mưa lâu ngày 

Theo Sở GTVT, việc chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Tân Kỳ - Tân Quý từ hình thức đầu tư PPP (hợp đồng BOT) sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công là cần thiết.

Hiện nay, thời gian triển khai dự án đã chậm so với kế hoạch, việc chậm trễ hoàn thành và đưa vào khai thác công trình có tác động, ảnh hưởng đến kết cấu công trình đã thi công do thời tiết, làm tăng mức độ ùn tắc ở khu vực, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức giao thông.

Sở cũng cho rằng, việc chậm tiếp tục triển khai dự án và bố trí vốn ngân sách thanh toán phần khối lượng do nhà đầu tư đã thực hiện sẽ dẫn đến các tác động kinh tế- xã hội gồm làm phát sinh thêm lãi vay và các chi phí khác có liên quan; khó khăn trong việc thỏa thuận, giải quyết quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan đến phụ lục hợp đồng BOT đã ký kết; dễ làm người dân bức xúc, dư luận xã hội không đồng tình.

Sở GTVT cho biết dự án này đã triển khai nên các thông số kỹ thuật, quy mô được xác định rõ giúp thuận lợi để đẩy nhanh các công việc tiếp theo. Nếu được thông qua, trong năm nay sẽ dùng kinh phí hơn 206 tỷ đồng để thực hiện công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, thanh toán chi phí đã thực hiện cho nhà đầu tư.

Tiếp theo, đơn vị triển khai bồi thường GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, thi công các hạng mục còn lại của dự án như đường dẫn đầu cầu, đường gom, thoát nước, tổ chức giao thông, chiếu sáng, cây xanh. Dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025. 

Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/de-xuat-chi-491-ty-hoi-sinh-cau-tan-ky-tan-quy-sau-khi-dung-hop-dong-bot-2026071.html