Xã hội

Đề xuất lắp 400 camera để phạt nguội ở Hà Nội: Không làm chặt dễ lãng phí, phát sinh tiêu cực

Ủng hộ quan điểm ứng dụng công nghệ để giám sát và xử lý vi phạm trong mảng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng luật sư cũng đưa ra nhiều ý kiến để phản biện về đề xuất này.

Đề xuất lắp 400 camera để phạt nguội ở Hà Nội: Không làm chặt dễ lãng phí, phát sinh tiêu cực
Điểm lắp camera giám sát tại nút giao Phạm Hùng - Mễ Trì. Ảnh: CHÍ CƯỜNG

400 camera sẽ giúp Hà Nội “dẹp loạn” vỉa hè?

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội lắp đặt hơn 400 camera giám sát xử phạt nguội để bảo vệ vỉa hè cho người đi bộ. Nguyên nhân ra đời của đề xuất này được lý giải là để giải quyết thực trạng khi lực lượng chức năng ra quân lòng đường, hè phố ngay lập tức thoáng đãng, sạch sẽ, khi các lực lượng đi khỏi thì phố phường lại lôm nhôm, nhếc nhác. Sở GTVT Hà Nội kỳ vọng, với hệ thống camera này, việc giám sát thực hiện trật tự đường hè sẽ trở nên hiệu quả hơn. Camera sẽ thay lực lượng chức năng vào các thời gian “trống”, thời gian ngoài giờ hành chính. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã có một số đơn vị đề xuất triển khai thí điểm, tuy nhiên đây là hạng mục đầu tư công, mua sắm thiết bị nên cần phải xem xét theo quy trình. Sở này cho biết thêm, một số quận nội thành cũng đã có phương án đề xuất và Sở đang tiếp tục nghiên cứu để có thể có phương án thay những camera cố định thành camera di động, giám sát tình trạng an ninh trật tự tốt hơn.

Trước đó, sáng 6/12/2017, HĐND TP Hà Nội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác bảo đảm trật tự đô thị và việc thu gom xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn PCCC và quản lý quảng cáo. Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc xử lý tái vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quản lý vỉa hè, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, một trong những giải pháp chống lấn chiếm lòng đương, vỉa hè được lãnh đạo quận Đống Đa đưa ra là sẽ cùng Công an thành phố lắp đặt camera theo dõi để xử lý "nguội" những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh đô thị.

Việc lắp đặt camera để giám sát, xử lý không phải là sáng kiến mới mà đã được áp dụng từ nhiều năm trước ở Hà Nội. Theo đó, từ đầu tháng 10/2014, Hà Nội đã đầu tư hệ thống camera có giá trị 231 tỉ đồng để lắp trên hàng loạt tuyến phố. Đến cuối năm 2014, tất cả các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố như tuyến đường Nguyễn Trãi, Giáp Bát - Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương; Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long… đã được lắp đặt xong. Tại những ngã tư giao lộ đông đúc như Điện Biên Phủ - Trần Phú hay Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Xã Đàn… đã được lắp từ 3 - 6 camera đảm bảo giám sát được phương tiện giao thông từ mọi hướng. Ngoài dùng để phạt, hệ thống này cũng sẽ đo được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong một khoảng thời gian, từ đó tính toán được giải pháp tối ưu để điều khiển đèn tín hiệu nhằm giảm thiểu hiện tượng ùn ứ, giúp giao thông thông suốt. Việc xử lý các đoàn xe ưu tiên, xe cấp cứu… cũng sẽ được tiến hành thông qua việc điều khiển nhịp đèn. Các dữ liệu truyền từ hệ thống camera về các máy chủ sẽ được lưu ít nhất là 2 tuần, phục vụ cho công tác xử lý xe vi phạm.

Phải có giám sát của giám sát để chống tiêu cực

Nhận xét về ý tưởng nêu trên của Sở GTVT Hà Nội, Luật sư Hoàng Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội ủng hộ quan điểm áp dụng công nghệ để quản lý giao thông và trật tự đô thị tại Hà Nội. Ông Hùng cho rằng, đây không phải là đề xuất gì mới mà các nước trên thế giới và lân cận đã làm từ nhiều năm trước. “Đơn cử như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và hàng loạt nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Khi ra đường thấy rất ít cảnh sát nhưng khi có hành vi vi phạm thì họ xuất hiện rất nhanh. Với các lỗi cơ bản thời gian từ lúc phát sinh hành vi đến lúc nhận “trát” phạt có thể là tức thì hoặc trong 24 giờ” – luật sư Hùng nói. Tuy nhiên, vấn đề ông Hùng và nhiều người cùng quan tâm đó chính là sự minh bạch trong đơn vị được giao quản lý hệ thống dữ liệu được ghi nhận. Luật sư Hùng cho rằng, ở nước ngoài, tính minh bạch rất cao, bất kể ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm. Để có được thành quả này theo ông Hùng cần phải có đơn vị giám sát đơn vị được giao giám sát hoặc có giám sát cộng đồng để nâng cao tính minh bạch.

Luật sư Hùng nói: “Ở Hàn Quốc, bất kể xe biển xanh, biển đỏ hay xe gì đi chăng nữa khi vi phạm đều nhận được “trát” phạt như nhau trong vòng 24h. Ở nước ta, nếu không có giám sát đơn vị thực thi việc giám sát thì dễ nảy sinh tiêu cực. Nếu không thì tính giám sát cộng đồng phải được nâng cao để đơn vị được giao giám sát, lưu trữ tài liệu giám sát phải “xử” đúng, chuẩn các đối tượng, hành vi vi phạm. Nếu làm được một cách triệt để, công khai, minh bạch thì hệ thống giám sát này sẽ hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của cơ quan chức năng”. Bên cạnh việc đồng tình, tư vấn cách thực thi để giám sát có hiệu quả, luật sư Hùng còn chỉ ra một số “lỗ hổng” khi áp dụng phạt nguội camera ở Hà Nội. Theo đó, với các đối tượng như hàng rong, dân ngoại tỉnh hoặc người quá cảnh qua Hà Nội mà phát sinh vi phạm sau đó di chuyển khỏi nơi vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào? Mặt khác, cả Hà Nội rộng lớn với cả ngàn tuyến phố lớn nhỏ thì việc lắp 400 camera liệu có giám sát được hết và xử lý một cách công bằng ở mọi lúc, mọi nơi hay không?

Cần có cơ chế để khai thác hệ thống camera khổng lồ của người dân

Luật sư Hoàng Mạnh Hùng cho biết, Hà Nội hiện nay đang có một lượng rất lớn camera giám sát của CSGT, camera an ninh của các hộ dân, camera giám sát hành trình trên phương tiện cá nhân. Nếu có cơ chế để khai thác, kết nối số camera này vào mục đích chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì sẽ không cần đầu tư thêm thiết bị từ ngân sách. Câu hỏi luật sư Hùng đặt ra là tại sao không có cơ chế để huy động nguồn lực rất lớn này mà lại bỏ tiền ngân sách để đầu tư trong bối cảnh hiện nay?

Theo Minh Anh (Giadinh.net.vn)